Anh Nguyễn Thế Hoàng (29 tuổi, ở TP.Thanh Hóa) là người có niềm đam mê cắm hoa, làm đồ handmade và chăm sóc nhà cửa.
Gần đây, anh nảy ra ý tưởng và cắm bình hoa chuối rừng để phụ huynh, học sinh của trung tâm dạy luyện chữ đẹp cảm thấy tươi mới mỗi khi đến lớp. Hơn nữa, sắp đến tết trung thu nên anh muốn trang trí theo phong cách dân gian.
"Hoa chuối rừng không phải loại hoa quá thông dụng để cắm nên ít người biết cách cắm hoa này. Mình tự học hỏi kinh nghiệm từ những lần cắm các loại hoa khác và từ những người bạn", anh chia sẻ.
Ở Thanh Hóa rất khó kiếm được những cành hoa chuối cắm được thành bình hoa. Vì vậy, anh phải đặt từ Tuyên Quang qua 2 chặng xe (từ Tuyên Quang xuống Hà Nội và từ Hà Nội về Thanh Hóa).
"Hoa chuối rừng được những người dân bản địa đi rừng chặt về và thỉnh thoảng mới có. Màu hoa có màu hồng cánh sen, trông rất tươi mới, không phải màu tím thâm như hoa chuối mọi người hay mua về làm nộm", anh nói.
Chàng trai cũng chia sẻ những bí quyết để cắm được bình hoa chuối này. Bình phải có miệng rộng vì cành chuối rất to. Bình cũng phải nặng và chắc để tránh tình trạng bị nghiêng, đổ vỡ do hoa chuối nặng. Bình anh sử dụng cao 55cm, nặng 20kg và miệng rộng 20cm.
Sau khi nhận hoa anh tiến hành rửa và vệ sinh hoa bằng cách bóc hết tất cả các bẹ lá, quả hỏng, bóc bẹ hoa bị thâm, dập… Nếu cành yếu, anh giữ lại một bẹ cho chắc còn không sẽ bóc hết cho sạch.
Sau đó, anh đổ nước đầy bình hoa, pha thêm 3 – 4 gói dưỡng hoa để hoa tươi lâu, thân hoa tránh bị úng và giúp cho nước hạn chế bị thối, hôi. Khi thay nước không bị bẩn, nước vẫn trong, hạn chế thân hoa bị chảy mủ, đổ keo.
"Hoa chuối không hút quá nhiều nước nên tầm 5 – 7 ngày mình sẽ thấy nước một lần, vệ sinh gốc hoa, cắt đoạn ngắn dưới gốc bị hư để hoa hút nước thêm. Hoa chuối chơi rất bền, gần được cả tháng. Nhìn những bông hoa chuối nở, quả chuối chín từng ngày mình thật sự rất thích, ngày nào mình cũng đếm quả chín", anh vui vẻ chia sẻ.
Bình luận (0)