Chết gần 1.000 con sứa cảnh
Năm 2020, Ngọc Khánh khi ấy còn là nhân viên ngân hàng vô tình biết được các dòng sứa cảnh từ mạng xã hội ở nước ngoài. Thấy đẹp và lạ mắt, Khánh nhập về nuôi để làm thú vui tại gia.
"Thời điểm đó, ở Việt Nam rất hiếm người chơi sứa cảnh, còn bên châu Âu họ đã nuôi và kinh doanh được hơn 10 năm nay. Mình đã mất gần 7 tháng để đặt hàng, vận chuyển con vật này về nước", Khánh kể.
Khánh thông tin sứa cảnh là loài động vật không xương sống, được con người đánh bắt ngoài biển và nhân giống sinh sản trong môi trường trên đất liền. Kích thước của sứa có thể phát triển cực đại lên đến hàng chục mét khi ở ngoài đại dương, nhưng với môi trường thể tích bé như bể cá ở Việt Nam thì chỉ từ vài chục cm đến 1 mét. Tuổi thọ của sứa kéo dài vài năm, tùy chủng loại.
"Để có kinh nghiệm nuôi sứa mình phải lên mạng đọc tài liệu, nghiên cứu những đầu sách có nội dung liên quan, tham khảo từ các anh chị am hiểu", Khánh nói.
Rồi Khánh chia sẻ: "Giai đoạn đầu mình đã làm chết gần 1.000 con sứa cảnh vì để thử nghiệm, kiểm tra môi trường nước ở nhà có phù hợp hay không. Sau 2 tháng, mình đã nắm được thông số, kỹ thuật để chăm sóc sứa cảnh phát triển. Bên cạnh đó, thời điểm này các hội, nhóm về sứa cảnh trên Facebook cũng được nhiều người tham gia nên mình quyết định mở tiệm, kinh doanh con vật này".
Để có kinh phí mở trang trại nuôi sứa, Khánh mượn tiền người thân hơn 100 triệu đồng mua con giống, đầu tư cơ sở, trang thiết bị nuôi sứa cảnh.
"Ban đầu mình chỉ nuôi dưỡng sứa trong những bể chứa đơn giản, nhỏ gọn để dễ dàng theo dõi quá trình sinh sống. Muốn sứa phát triển, người nuôi phải xây dựng một hệ thống nước sạch cùng thiết bị như: máy thổi luồng, tạo sóng để mô phỏng như môi trường ngoài đại dương, skimmer (máy tách bọt, tạo oxy - PV) cũng như hệ thống làm mát", Khánh nói.
Do 95% cơ thể sứa là nước nên Khánh luôn tạo môi trường nuôi mát mẻ từ 16 – 29 độ C, tuyệt đối không để ánh nắng chiếu trực tiếp. "Để sứa không bị chết, mọi người cần phải tìm hiểu môi trường nước, biết rõ các chỉ số, nồng độ muối, không gian nuôi không được quá bé...", Khánh nói thêm.
"Để nuôi được sứa cảnh, người chơi nên chọn bể chuyên dụng từ 1 đến 10 lít, tùy thuộc vào kích thước và số lượng mong muốn. Mọi người có thể dùng nước biển hoặc nước pha với muối biển nhân tạo. Mỗi lần thay nước chỉ khoảng 20 - 30%. Độ mặn của nước có thể dùng thước đo và điều chỉnh từ mức 1.023 đến 1.025 là ổn định", Khánh nói.
Kiếm từ 100 – 200 triệu đồng nhờ kinh doanh sứa cảnh
Hiện tại, Khánh sở hữu hàng ngàn con sứa cảnh với nhiều dòng (giống) khác nhau như: lửa, mặt trăng, úp ngược, đốm úc, trứng chiên… với giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến 5 triệu đồng/con, tùy chủng loại, kích thước. Còn các bể nuôi chuyên dụng thì dao động từ 800.000 đồng đến vài chục triệu đồng, tùy thể tích hay các thiết bị đi kèm.
Cũng theo Khánh, khách mới chơi sứa cảnh thì nên chọn dòng mặt trăng vì rất dễ chăm sóc và tuổi thọ khá dài. Đối với các dòng sứa cảnh dây tầm sẽ gây kích ứng da tay nên lưu ý khi nuôi. Không được chạm hay sờ vào vì cơ bản loại động vật này khá mỏng manh.
"Hiện tại, sứa cảnh bên mình bán khắp các tỉnh thành. Người mua chủ yếu là các bạn làm nhân viên văn phòng, lĩnh vực công nghệ thông tin, TikToker, anh chị đam mê trang trí nhà cửa… Trung bình mỗi tháng mình kiếm từ 100 – 200 triệu đồng nhờ kinh doanh sứa cảnh", Khánh chia sẻ.
Lê Nguyễn Hoài Sơn (27 tuổi), ngụ tại P.14, Q.10, TP.HCM, cũng chi tiền triệu để mua sứa cảnh bởi vẻ đẹp uyển chuyển và hình dáng nhỏ nhắn. "Chơi sứa cảnh tạo nên cảm giác vui mắt và giải tỏa căng thẳng. Mình còn đầu tư thêm bể nuôi, gắn đèn. Khi hệ thống phát sáng thì sứa sẽ chuyển đổi màu theo, nhìn rất thích", Sơn cho hay.
Còn chị Nguyễn Thùy Linh (32 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại số 364 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng mua bể sứa cảnh về trang trí ở một góc nhà. "Sau khi làm việc xong mình dành thời gian để chăm sóc sứa, vệ sinh bể. Thật sự, mình cảm thấy rất thú vị khi ngắm nhìn những con vật này bơi lội, tung tăng trong nước", chị Linh nói.
Bình luận