Không chỉ tạo ra giá trị tinh thần, khu vườn cây “ăn thịt” còn giúp chị Thu có thêm được thu nhập tiền triệu mỗi tháng.
Xem cây như những người bạn của mình
Trên sân thượng tại gia, chị Thu dành hơn 30 m2 để thiết kế nhà lưới, trồng hàng trăm cây “ăn thịt” với nhiều loại như: bẫy kẹp, cỏ bơ, gọng vó, nắp ấm, hố bẫy.
“Những cây bắt mồi của tôi phát triển cực đại có thể bằng... 2 ngón tay. Việc trồng cây trong nhà lưới sẽ tránh được những hạt mưa to, có vi khuẩn làm chết cây”, chị Thu giới thiệu thêm về khu vườn của mình.
“Ăn thịt”, cái tên có vẻ đáng sợ, nhưng nhìn những cây bắt mồi trong khu vườn của chị Thu vô cùng dễ thương. Cây có kích thước nhỏ nhắn, phát triển tươi tốt.
“Nhìn chung cây 'ăn thịt' thu hút côn trùng (nhện, ruồi, muỗi...) từ mùi thơm, đồng thời cây sẽ tiết ra enzyme thực vật để tiêu hóa con mồi. Tuy nhiên, cơ chế "săn mồi" mỗi dòng sẽ khác nhau. Về dòng bẫy kẹp sẽ đóng "miệng" lại khi cây bắt được côn trùng. Còn dòng hố bẫy thì sẽ "nằm im" chờ con mồi bị rơi vào... hố của cây", chị Thu chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với cây "ăn thịt" chị Thu cho biết vào năm 2018, chồng chị có trồng một số cây “ăn thịt” trên sân thượng, và chị Thu đã đem lòng yêu thích.
“Thời gian đầu, tôi phải nhập giống cây bắt mồi từ Thái Lan với giá thành khá cao, có cây lên đến 800.000 đồng. Tôi phải học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cây từ những diễn đàn mạng xã hội nước ngoài. Ngoài ra, việc người ta vận chuyển cây về Việt Nam cũng lắm gian nan, do thời gian giao hàng dài, cây không được tưới, phải để trong hộp kín nên khi về đến tay mình thì cây đã chết".
Cuối năm 2020, chị Thu trồng được hơn 100 cây bắt mồi. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. "Giai đoạn TP.HCM giãn cách xã hội, tôi và gia đình, đặc biệt là con gái 8 tuổi xem cây "ăn thịt" là những người bạn của mình. Mỗi ngày, mọi người đều lên sân thượng quây quần bên nhau để chăm sóc, tưới cây, nhìn cây phát triển, từ đó mọi căng thẳng trong chúng tôi không còn nữa, một cảm giác rất vui tươi, yêu đời", bà mẹ 31 tuổi tâm sự.
"Từ khi trồng cây bắt mồi, tôi có được tính cẩn thận, cần mẫn cũng như tỉ mỉ hơn trong mọi công việc vì mỗi khi chăm sóc chúng, tôi không thể nào mang sự khó chịu của bản thân vào, như thế sẽ dễ làm gãy cành, chết cây", chị Thu chia sẻ thêm.
Có thêm nguồn thu nhập ngoài công việc bán bánh mì
Không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, khu vườn cây "ăn thịt" của chị Thu còn bất ngờ cho giá trị kinh tế cao.
Chị Thu thường hay giao lưu, học hỏi với mọi người tại các diễn đàn chơi cây trên mạng xã hội, cũng chính nhờ việc này nhiều người để ý đến và mua cây. Từ đó, bà mẹ một con có thêm nguồn thu nhập ngoài công việc bán bánh mì hiện tại.
Theo chị Thu, mỗi cây "ăn thịt" của chị có giá trung bình từ 150.000 đồng đến gần 400.000 đồng. “Mỗi tháng tôi đạt doanh thu từ 12-18 triệu đồng nhờ kinh doanh cây "ăn thịt". Chúng tôi còn hay gặp mặt giao lưu, mua bán cây dịp cuối tuần. Nhờ kích cỡ, sự tiện lợi nên cây bắt mồi ngày càng thịnh hành tại TP.HCM và các tỉnh khác vì chúng không chiếm nhiều diện tích khi chơi hay có thể trưng bày trên bàn làm việc, văn phòng”, chị Thu nói.
Càng thiếu chất dinh dưỡng cây "ăn thịt"... càng tốt
Chia sẻ về bí quyết trồng cây "ăn thịt" phát triển tươi tốt, chị Thu cho hay: "Đối với người trồng cây "ăn thịt" ngoài vườn, nên sử dụng lưới lan (loại lưới có lỗ siêu nhỏ, đủ che nắng và thông thoáng) hoặc đặt dưới gốc cây to vừa phải đủ lấy nắng sớm. Nếu bạn trồng cây trong nhà thì nên đặt cây ở bệ cửa sổ hoặc nơi có nhiều ánh sáng trung bình từ 4 giờ/ngày, không nên để cây dưới ánh nắng trực tiếp, cây sẽ bị chết khô", người mẹ 31 tuổi cho hay.
Cũng theo chị Thu, người trồng cây ăn thịt tuyệt đối không dùng nước phèn chua, nước có độ pH cao, nước khoáng đóng chai để tưới cây. "Tưới nước mỗi ngày 2 lần (1 lần 3-5 phút). Riêng những ngày nắng gắt chúng ta tưới nước nhiều hơn. Ngoài vấn đề quang hợp như những cây khác, cây bắt mồi không cần bón phân quá nhiều vì cây có cơ chế "tự nuôi" từ những chất dinh dưỡng của côn trùng mà cây bắt được. Cây "ăn thịt" càng thiếu chất dinh dưỡng càng tốt. Việc chúng ta can thiệp dưới mọi hình thức trong vấn đề bón cây thì cây sẽ chết hoặc chỉ ra lá", chị Thu nhấn mạnh.
Cũng theo chị Thu, hiện tại ở Việt Nam, có một số nơi bán hạt cây "ăn thịt" chất lượng cao, song song với đó thì người trồng có thể sử dụng phương pháp cấy mô để phát triển cây. "Các dòng cây bắt mồi có nhiều hoa và hạt, nhưng chúng được nhân giống bằng việc phân nhánh chồi non hay các mắt cây. Chính vì thế, bất cứ ai cũng có thể dùng chính cây bắt mồi mình đang trồng để nhân giống", chị Thu chia sẻ.
Bình luận (0)