Tiếp nối truyền thống gia đình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình theo nghề điêu khắc gỗ truyền thống, ngay từ nhỏ, Thanh Toản đã quen với âm thanh đục chạm hay mùi thơm của gỗ.
"Vào dịp hè, mình hay đi theo ba phụ điêu khắc gỗ. Nhìn những bức tượng của gia đình làm ra mình luôn hy vọng sau này sẽ được kế nghiệp, tự dựng lên một xưởng gỗ để kinh doanh riêng", Toản nói.
Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, Toản cũng làm được sản phẩm gỗ hình tượng con khỉ và bán với giá hơn 1 triệu đồng. "Mình cảm thấy vui và hạnh phúc khi những công sức bỏ ra để theo đuổi nghề đã được đền đáp", Toản bộc bạch.
Sau đó, Toản làm nhiều tượng hơn, từ cơ bản đến phức tạp. Đầu năm 2023, Toản lập một xưởng riêng rồi nhập thêm trang thiết bị như: đục sắt, cưa, máy phay gỗ cũng như nguyên liệu để tạo ra nhiều sản phẩm.
Toản cho hay thời gian đầu lập nghiệp, làm những sản phẩm lớn để kinh doanh tương đối gian nan, vất vả.
"Lúc đầu, mình chưa quen tay nên vô tình bị máy cắt vào chân, phải khâu 10 mũi. Có những sản phẩm mình mất gần 1 tháng để hoàn thành, bởi những chi tiết đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo léo cũng như cẩn thận mới tạo được 'hồn' cho bức tượng", Toản kể.
Thu nhập đỉnh điểm hơn 100 triệu đồng/tháng
Hiện tại, Toản tập trung điêu khắc gỗ với hình tượng như: Phật, các linh thú... "Tuy nhiên, sản phẩm điêu khắc gỗ chủ đạo của mình vẫn là các hình ảnh về Phật pháp. Mình quyết định làm dòng tượng này bởi muốn tìm tòi học hỏi và đi sâu với những sản phẩm gỗ độc lạ, ít ai thực hiện được", Toản cho hay.
Để làm ra một sản phẩm điêu khắc hoàn hảo, Toản phải chọn những khúc gỗ tốt, không bị mục, già, sau đó cắt thành khối, đục đẽo, phác họa hình ảnh...
"Để tượng đẹp, thêm phần sắc sảo, người thợ cần biết cách tạo dáng, phác thảo những đường nét lớn, nhỏ trên mỗi tác phẩm. Sau khi đục khúc gỗ thành chi tiết cụ thể, mình sẽ chà giấy nhám, rồi sơn màu bóng", Toản cho hay.
Toản còn nói thêm: "Hầu hết các công đoạn đều được mình làm bằng thủ công, vì vậy khi chọn gỗ phải thật cẩn thận, chất lượng, có độ dẻo dai nhất định và không bị cong vênh, nứt hay mối, mọt".
Dù các sản phẩm đều được Toản làm từ một nguyên liệu là gỗ nhưng khi hình thành đều có những nét đẹp, cái hồn riêng, không bao giờ giống nhau, đó cũng chính là điều mà khách hàng yêu thích.
Cũng theo Toản, ngoài khéo tay, óc sáng tạo, nghề điêu khắc cũng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì và thực sự đam mê.
"Nghề này hiện đang có thị trường tiêu thụ khá ổn định, thu nhập cao. Ngoài khách đến mua sản phẩm trực tiếp, mình cũng hay chia sẻ bức tượng làm được lên mạng xã hội, để thu hút người xem, từ đó tăng số lượng tiêu thụ", Toản nói.
Bên cạnh đó, để theo đuổi và thành công với nghề, Toản luôn nâng cao kỹ năng trong việc điêu khắc, không ngừng sáng tạo, thường xuyên trao đổi với anh chị có nhiều kinh nghiệm, lên mạng sưu tầm, cập nhật hình ảnh độc lạ, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
"Mỗi bức tượng có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ, kích thước, sự công phu, phức tạp. Trung bình mỗi tháng mình kiếm được từ 40 – 50 triệu đồng, đỉnh điểm là hơn 100 triệu đồng nhờ bán tượng điêu khắc từ gỗ", Toản chia sẻ.
Toản tâm sự: "Những bạn trẻ muốn theo nghề điêu khắc gỗ, đặc biệt là làm những sản phẩm hình tượng Phật thì phải có nhiệt huyết, đam mê. Với mình, theo đuổi nghề hiện tại không chỉ kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống mà còn tiếp nối, lan tỏa giá trị truyền thống cho những người trẻ đam mê nghệ thuật này".
Bình luận (0)