Chàng trai làm thay đổi ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc

15/05/2015 12:23 GMT+7

(TNO) 'Khi tìm từ khóa phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng, nhiều thông tin về bệnh viện, bác sĩ thẩm mỹ, tốt xấu lẫn lộn sẽ bao lấy bạn". Đó chính là lý do để Liu Di cho ra đời ứng dụng 'phẫu thuật thẩm mỹ', cung cấp dịch vụ thẩm mỹ an toàn cho người dân Trung Quốc.

(TNO) 'Khi tìm từ khóa phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng, nhiều thông tin về bệnh viện, bác sĩ thẩm mỹ, tốt xấu lẫn lộn sẽ bao lấy bạn". Đó chính là lý do để Liu Di cho ra đời ứng dụng 'phẫu thuật thẩm mỹ', cung cấp dịch vụ thẩm mỹ an toàn cho người dân Trung Quốc.

Liu Di làm thay đổi nền công nghiệp “phẫu thuật thẩm mỹ” Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình South China Morning Post
Doanh nhân trẻ Liu Di, 32 tuổi, sống tại Bắc Kinh, đã làm thay đổi thị trường của ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc. Anh đã cho ra đời ứng dụng mang tên Gengmei (Xinh đẹp), là cầu nối thông tin giữa bác sĩ thẩm mỹ và khách hàng, cung cấp thông tin dịch vụ thẩm mỹ an toàn và tiết kiệm nhất, theo South China Morning Post ngày 14.5.
Ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc đã và đang trở nên thịnh hành trong những năm qua. Theo số liệu của Tổ chức Giải phẫu thẩm mỹ Quốc tế, Trung Quốc là thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2014, có 7,4 triệu người “trùng tu nhan sắc’’ ở nước này, đóng góp cho ngành công nghiệp thẩm mỹ gần 80 triệu USD.
Nhưng đây cũng là thị trường béo bở cho các phi vụ lừa đảo và mang nhiều tai tiếng như giá thành cắt cổ, chất lượng bác sĩ kém, dịch vụ chăm sóc không đảm bảo… Khi tìm kiếm từ khóa phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng, người ta thấy rất nhiều thông tin về các vụ phẫu thuật hỏng, làm biến dạng cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe khách hàng.
Chính vì thế, Liu Di ấp ủ ý tưởng cho ra đời một kênh giao tiếp, kết nối khách hàng và bác sĩ bằng những thông tin xác thực nhất. Ứng dụng Gengmei ra đời năm 2013, cũng chính là ứng dụng đầu tiên phục vụ cho ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc.
Doanh nhân trẻ này giải thích thêm: “Thông thường, các trung tâm và bệnh viện thẩm mỹ sẽ trả phí quảng cáo, dịch vụ cho những trang web tìm kiếm như Baidu.com, để thương hiệu của họ được xuất hiện ngay khi khách hàng tìm kiếm đến “giải phẫu thẩm mỹ”. Các khoản phí này làm tăng giá phẫu thuật khiến tôi nghĩ đến một kênh kết nối trực tiếp bác sĩ - khách hàng, để tiết kiệm tối đa chi phí”.
Liu Di, từng là một nhà báo, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2009 nhưng thất bại ở dự án đầu tiên. Mãi đến năm 2013, doanh nhân trẻ mới thành công với ứng dụng Gengmei. Tính đến tháng 4.2015, ứng dụng này đã có 5 triệu người tham gia và 3.000 bác sĩ cung cấp dịch vụ uy tín.
Số khách hàng mua dịch vụ ở Gengmei có tổng giá trị đến 8 triệu USD, ước tính công ty của Liu sẽ thu về 1,5 USD cho mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ. Liu hi vọng đến cuối năm, số người sử dụng sẽ chạm mốc 20 triệu với đà phát triển nhanh chóng của Gengmei như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.