TNO

Chàng trai người Thái mở tour cho khách Tây đi rẫy

24/03/2016 11:38 GMT+7

(iHay) Mỗi năm gia đình anh Lò Văn Bình đón hàng trăm khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên trong gia đình.

(iHay) Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của Lò Văn Bình, anh là một trong những người đầu tiên liên kết với doanh nghiệp lữ hành mở dịch vụ du lịch cộng đồng.

>> Porter Mông, những người bạn của núi rừng
>> Chàng porter người Mông đi tìm hồn của núi

Đưa khách Tây lên rẫyAnh Bình (trái) hướng dẫn du khách trải nghiệm đời sống sinh hoạt tại gia đình - Ảnh: Quỳnh Duy
Làm du lịch ở bản nghèo
Khách nước ngoài đến Chao Hạ (xã Nghĩa Lợi, TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái) du lịch đều được Lò Văn Bình gọi chung là “khách Tây”. Nhìn lại 4 năm qua, từ chỗ còn ít người biết, đến nay Chao Hạ đã có tên trong bản đồ địa danh du lịch vùng Tây Bắc. Chao Hạ có thương hiệu như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của Lò Văn Bình, anh là một trong những người đầu tiên liên kết với doanh nghiệp lữ hành mở dịch vụ du lịch cộng đồng.
“Ở bản người Thái, người dân quanh năm quen với cuộc sống đi nương, làm rẫy thì quyết định đầu tư hàng chục triệu đồng để cải tạo, sửa sang nhà cửa làm du lịch cộng đồng là một ý tưởng mới, táo bạo”, anh Đồng Văn Kem, Phó bí thư Đoàn xã Nghĩa Lợi chia sẻ khi nhắc đến con đường khởi nghiệp của Lò Văn Bình.
Không riêng gì cách nhìn nhận của anh Kem, ngay trong gia đình mình, Bình cũng không dễ tìm kiếm “đồng minh” ủng hộ. Chị Lường Thị Yến, người bạn đời của Bình kể lại, ban đầu cả gia đình lo lắng lắm, vì ngoại ngữ một chữ bẻ đôi cũng không ai biết. Phong tục tập quán của người Thái lạ lẫm với người nước ngoài. Cả nhà lo không biết làm sao để khách thoải mái, coi gia đình mình là điểm đến trong những lần sau. Và nếu thất bại, vợ chồng Bình sẽ vướng vào nợ nần khi mà vốn đầu tư phần lớn phải vay mượn từ anh em, họ hàng.
Để thuyết phục gia đình cùng đồng tâm hiệp lực trong mô hình kinh doanh chưa từng có ở Chao Hạ, Lò Văn Bình xách ba lô, lang thang khắp các vùng đất du lịch ở Tây Bắc để học hỏi, tỉ mẩn ghi chép từng công việc, quy trình làm du lịch sinh thái. Kiến thức học được ở những địa danh du lịch như: Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình)... khiến chàng trai người Thái này tự tin khởi nghiệp.
“Khách tây” mê món ăn của người Thái
“Mở dịch vụ du lịch cộng đồng từ năm 2012, mình chỉ mất năm đầu tiên bỡ ngỡ. Còn hiện nay, lượng “khách Tây” đến với gia đình tương đối ổn định, đông vào mỗi dịp cuối tuần. Nhiều khách đến đây, khi quay lại còn rủ thêm bạn bè”, Bình nói trong tâm trạng hồ hởi.
Qua vài năm làm du lịch cộng đồng, Bình tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng, dù có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa nhưng “khách Tây” đặc biệt thích thú tìm hiểu, mong muốn được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Bình “hiểu” nhu cầu này và tìm mọi cách đáp ứng. Trong những ngày khách lưu lại gia đình, các thành viên trong nhà luôn chủ động giới thiệu công việc lao động, nền nếp sinh hoạt và mời họ cùng tham gia. “Khách Tây” ở nhà Bình luôn hào hứng đi nương gặt lúa, bẻ ngô và tìm hái rau rừng, thậm chí về nhà cũng tự tay vào bếp tham gia chế biến, nấu các món ăn của đồng bào người Thái. Khách đông nhất vào trong khoảng tháng 2 - 4 hằng năm, đến bản để du xuân ngắm cảnh núi rừng. Sau đó khách thưa hơn nhưng khoảng tháng 5 - 6, tháng 9 - 10 thì đông trở lại, khi người dân trong bản vào mùa gặt lúa, bẻ ngô.
Theo Bình, bí quyết để níu chân du khách là những món ăn của cộng đồng người Thái và đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. “Món của người Thái mà “khách Tây” mê nhất là thịt băm cuốn lá nướng, món này dân dã, có trong bữa cơm hằng ngày nhưng được xếp ngang hàng với đặc sản núi rừng. Bằng cách này, tôi muốn giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống đến với “khách Tây” theo cách gần gũi, tự nhiên nhất”, Bình chia sẻ.
Mong muốn nâng cao chất lượng và đa dạng thêm các dịch vụ hiện tại, Bình đang tìm cách học chế biến các món ăn Âu, Á và học thêm tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu đa dạng, mở rộng cơ hội tìm kiếm, nâng lượng khách đến với gia đình.
Hướng đi mới giúp dân bản thoát nghèo
Anh Đồng Văn Kem, Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Nghĩa Lợi, cho rằng thành công trong mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng của Bình mở ra hướng đi mới, giúp nhiều hộ gia đình thanh niên, dân bản vươn lên thoát nghèo. Ngay sau mô hình của Lò Văn Bình, bản Chao Hạ đã có thêm 6 hộ gia đình khác cùng mở du lịch dịch vụ cộng đồng. Qua theo dõi, nguồn thu nhập từ các hộ này luôn cao hơn, có đời sống khấm khá hơn hẳn các hộ gia đình chỉ làm nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng có chủ trương khuyến khích người dân mở mới hoặc liên kết cùng nhau để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Bình là cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ tư vấn về cách làm, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cho những hộ dân mới chập chững bước vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.