Bệnh viện Phục hồi chức năng Thừa Thiên-Huế nằm trên con phố nhỏ Tô Hiến Thành (P.Phú Cát, TP.Huế). Bệnh viện có quy mô khoảng hơn 100 giường, nhưng hằng ngày nơi đây điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhân thường xuyên và hơn 100 bệnh nhân ngoại trú.
Hơn 6 tháng nay, tại bệnh viện xuất hiện một chàng trai Nhật khá trẻ. Anh là Nagase Ippei (29 tuổi), cử nhân vật lý trị liệu, tình nguyện viên được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gửi đến.
Trước khi đến Việt Nam, Nagase Ippei là Trưởng nhóm kỹ thuật viên vật lý trị liệu, Bệnh viện ĐH Y khoa Fujita (Nhật Bản). Anh là kỹ thuật viên có kinh nghiệm về phục hồi chức năng tại nhà, phục hồi chức năng tim, phục hồi chức năng hô hấp, phục hồi chức năng cho người mắc các bệnh về mạch máu não, bệnh chỉnh hình ở bệnh viện giai đoạn cấp tính có cấp cứu cấp độ 3, bệnh viện phục hồi chức năng giai đoạn phục hồi.
Từ ngày có Ippei, không khí tại bệnh viện cũng trở nên vui vẻ hơn. Nagase Ippei đến TP.Huế, thuê nhà trọ, hằng ngày anh đạp xe đến bệnh viện và làm việc cùng đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng. Với các bệnh nhân, được một kỹ thuật viên Nhật Bản có tay nghề cao chữa trị, họ cảm thấy rất tin tưởng. Đó cũng là yếu tố tinh thần giúp người bệnh chịu khó tập luyện để nhanh hồi phục hơn. “Tôi bị tai nạn do ngã từ trên thang xuống, đầu gối và xương mác chân phải bị vỡ. Sau khi được điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế trở về, tôi vẫn chưa đi lại được. Sau khi nhập viện điều trị tại đây, được Nagase Ippei chữa trị 2 đợt (mỗi đợt 15 ngày), hiện nay tôi đã hồi phục rất nhiều, đi lại gần như người bình thường”, bà Nguyễn Thị Toan (55 tuổi, đến từ H.A Lưới) chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc bệnh viện, cho biết Nagase Ippei là một kỹ thuật viên có tay nghề cao nên các đồng nghiệp ở bệnh viện cũng được học tập nhiều kinh nghiệm, phương pháp điều trị mới. Những tháng đầu, Ippei có gặp khó khăn vì phải học tiếng Việt, nhưng ngược lại, các y bác sĩ Việt cũng được anh dạy lại tiếng Nhật. Giờ Ippei đã có thể nghe và hiểu được tiếng Việt, trò chuyện với đồng nghiệp và bệnh nhân gần gũi, thân thiện. Bác sĩ Hiền chia sẻ, hằng ngày Ippei đi làm bằng xe đạp, bữa trưa ở lại bệnh viện và ăn cơm tập thể hoặc ăn cơm hộp cùng mọi người. "Chúng tôi muốn cho anh mượn chiếc xe máy nhưng anh bảo JICA không cho phép. Ngoài khoản trợ cấp sinh hoạt do JICA trả, chúng tôi có đề xuất cho anh hưởng thêm phần tiền ca trực chuyên môn, nhưng JICA cũng không đồng ý”, bác sĩ Hiền nói.
Khi còn làm việc ở Nhật Bản, Nagase Ippeianh từng có chuyến du lịch đến Việt Nam và đặc biệt yêu thích đất nước này. Khi biết được thông tin JICA tuyển tình nguyện viên đến Việt Nam, anh liền đăng ký. “Việt Nam là nước phát triển về y học, nhưng khoảng cách giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn còn khá lớn. Đặc biệt, tôi thấy lĩnh vực điều trị phục hồi chức năng ở Việt Nam chưa được phát triển nhiều. Tôi mong muốn mình có thể đem những kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp tại đây”, Nagase Ippei nói.
Một trong những điều mà Nagase Ippei học được từ Việt Nam là tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp. “Ở Nhật, mọi công việc hầu như tôi phải cố gắng hoàn thành một mình. Nhưng khi đến đây, bất cứ công việc gì thấy mình gặp khó khăn là lập tức các đồng nghiệp đến hỏi han và giúp đỡ. Tôi rất thích tính cách này của người Việt, tôi học được cách cùng hợp tác với mọi người... Hồi mới đến Việt Nam, tôi rất lúng túng nhưng giờ thì tôi lại cảm thấy hạnh phúc”, Nagase Ippei tâm đắc.
Ippei cũng đặc biệt thích món bánh khoái. Anh nói: “Đây là món ăn rất ngon của Huế mà tôi rất ghiền. Các cô gái Việt cũng rất xinh, nhưng tôi đã có bạn gái rồi. Bạn gái tôi cũng là một tình nguyện viên của JICA đang làm việc cho một dự án ở Sơn La. Chúng tôi cùng có điểm chung là cùng yêu đất nước Việt Nam”, Ippei nói khi tạm biệt chúng tôi.
Bình luận (0)