Hơn 4 năm nay, Lê Nguyễn Hoàng Hiếu (31 tuổi), ngụ tại P.Tân Định, Q.1 (TP.HCM) theo đuổi việc nuôi kiến với nhiều mục đích, trong đó có việc lan tỏa tình yêu dành cho động vật.
"Cơ duyên nuôi kiến bắt đầu từ đại dịch Covid-19 (năm 2020), khi ấy cuộc sống hoàn toàn đảo lộn và mình muốn nuôi một loài vật để tập sống chậm lại, tình cờ mình biết đến thú nuôi kiến trong hộp (tank kiến) từ một người bạn. Chính việc nuôi này, mình dần dần tạo nên một "vương quốc" thu nhỏ của loài kiến", Hoàng Hiếu chia sẻ.
Hiếu cho biết thêm thú nuôi kiến trong hộp cần phải đảm bảo được các điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ để giúp kiến phát triển. Với những dòng kiến đặc biệt cần phải có hộp nuôi chuyên dụng… Ngoài ra, còn một số thứ khác như: kẹp cho kiến ăn, mật hoa protein và khoáng dành cho kiến, thạch dinh dưỡng, phấn cồn tránh kiến leo ra, tiểu cảnh, phụ kiện 3D...
Là người bạn thân thiết của Hiếu, chị Nguyễn Thị Hồng Thu (31 tuổi) chia sẻ: "Hiếu từng chăm con kiến đạn Nam Mỹ (Paraponera Clavata) có giá trị trên 30 triệu đồng và việc chăm sóc nó gặp rất nhiều khó khăn. Hiếu phải trao đổi và tìm sự hỗ trợ của nhiều người bạn nuôi kiến ở Đức để giúp kiến sinh trưởng, nên hầu như toàn bộ tâm sức của Hiếu đều dành cho loài vật này".
Hiện nay, Hiếu nuôi tầm 10 loài kiến khác nhau, trong đó phân nửa là các loài của Việt Nam như: Tetraponera Rufonigra, Harpegnathos Venator (HV)… và số còn lại đến từ Úc, Nam Mỹ. Trong đó, giá trị của một bộ bao gồm kiến chúa và hộp nuôi kiến dao động trong khoảng từ 700.000 đồng cho đến hơn 60 triệu đồng.
"Mỗi loài kiến có đặc tính môi trường sống riêng nên cách chăm sóc cũng khác nhau. Vì thế, mình thường đọc rất nhiều tài liệu về kiến trên các diễn đàn, bách khoa điện tử về kiến và xem các bản phiên dịch từ video của nhiều người nuôi kiến ở Tây Ban Nha, Mỹ, Canada…", Hiếu cho biết.
Hiếu cho biết việc nuôi kiến không tốn quá nhiều công chăm sóc như chó mèo. Tuy nhiên, khi đã quyết định bắt tay vào việc xây dựng "vương quốc" cho kiến thì cần rất nhiều lưu ý.
"Kiến rất nhạy cảm với thức ăn, nếu cho ăn mồi không sạch sẽ bị chết và mình đã từng để mất một kiến chúa tầm 20 triệu đồng vì cho ăn sâu có độc. Kiến có đặc tính gom rác tập kết và nếu người nuôi không dọn đống rác đó đi rất dễ gây mốc trứng, ấu trùng. Và bản chất kiến chúa chọn nơi khuất sáng để đẻ trứng nếu người nuôi mở hộp xem trong giai đoạn sinh sản thì kiến rất dễ bị căng thẳng rồi ăn luôn ấu trùng của mình", Hiếu cho biết.
Khi được hỏi: "Việc nuôi kiến liệu có gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên không?", Hiếu chia sẻ: "Thật ra môi trường tự nhiên Việt Nam vốn đã có đông đảo các loài kiến xâm nhập có hại từ Nam Mỹ từ rất lâu như: kiến đen, kiến lửa... và đặc tính của chúng rất hung dữ. Đa phần kiến nuôi thường có tốc độ tăng đàn rất chậm, thậm chí có loài 1 năm mới có một kiến thợ và nhiều loài lại có giá trị rất đắt từ chục đến hơn trăm triệu đồng nên chuyện kiến nuôi xổng ra là rất hiếm".
Hiếu cho biết ở các nước như Singapore, Úc thì bộ môn nuôi kiến đã được giáo dục đến cho các học sinh vì mọi hoạt động sống của kiến từ lúc bắt đầu cho đến khi "lập quốc" đều được quan sát rất rõ ràng.
"Và kiến cũng có những hoạt động như xã hội loài người như: tính hy sinh, tính bảo vệ lãnh thổ, tính ngăn nắp, chăm chỉ… Từ đó, trẻ nhỏ sẽ được giáo dục về thiên nhiên tốt hơn thay vì cứ phó mặc hết cho điện thoại", chàng trai này bày tỏ.
Không chỉ nuôi, Hiếu còn lập nên một kênh TikTok với hơn 8 triệu lượt thích để chia sẻ về cách nuôi kiến và tuyệt nhiên tránh những loài nguy hiểm, độc hại vì kênh có rất nhiều trẻ nhỏ theo dõi.
Bình luận (0)