Sinh ra giữa làng mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, TP.Bắc Giang, xưởng mộc nhỏ của anh Lương Văn Tuấn, 29 tuổi rôm rả tiếng trò truyện của những vị khách phương xa từ Hà Nội, Thái Nguyên… ghé thăm. Bởi tại đây, ngay giữa làng nghề với vô số bàn ghế, tủ kệ truyền thống đủ kích thước, lại xuất hiện những sản phẩm mang đầy tính sáng tạo và độc lạ của chàng thanh niên chân chất.
Điều đặc biệt, tất cả nguyên liệu đều tận dụng từ những thứ bỏ đi như gỗ vụn, gỗ thừa, vỏ cây, thủy tinh vỡ… để làm ra những đồ tái chế, có ý nghĩa lớn với môi trường.
[VIDEO] Biến vụn gỗ thành bàn ăn, "phù thủy" tái chế thu gần trăm triệu mỗi tháng
|
Trên mặt phẳng rộng hình tròn, dòng chảy màu xanh ánh trắng lấp lánh như dòng biển, uốn lượn quanh các mảng nâu như các châu lục của Trái đất. Quan sát kỹ hơn, thấy những lớp khói bồng bềnh trôi, ẩn nấp phía dưới là mảng sỏi nhỏ li ti xếp cạnh những con sao biển nhỏ xinh.
|
Học từ YouTube
Cách đây 2 năm, trong một lần tình cờ lần lướt video trên YouTube, thấy người nước ngoài ứng dụng nhựa epoxy resin quá ấn tượng, anh Tuấn mới tìm hiểu và muốn ứng dụng tại làng nghề của địa phương.
“Mình sống trong làng nghề từ nhỏ. Tại đây, những mảnh gỗ thừa thường mọi người sẽ vứt đi hoặc làm củi đốt. Bản thân mình cho rằng chúng hoàn toàn còn giá trị sử dụng nên quyết định đem về tái chế”, anh Tuấn nói.
Trước đây, anh Tuấn cũng từng theo học chuyên ngành hóa vô cơ của Trường cao đẳng hóa chất Phú Thọ nên khi khởi nghiệp khá tự tin bởi có sẵn kiến thức về hóa.
|
Nói về quy trình để tạo ra mặt bàn từ gỗ tái chế, anh Tuấn cho biết phải trải qua 3 bước. Đầu tiên là phải sơ chế gỗ. Những phần gỗ thừa cần được cắt gọn và làm sạch. Sau đó xếp chúng vào khuôn rồi đổ nhựa resin xung quanh.
Bước cuối cùng là chà nhám và đánh bóng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không phải ai cũng thể làm được. Để tạo ra những sản phẩm thật sự đẹp và có tính ứng dụng đòi hỏi ở người thợ tính thẩm mỹ và tay nghề cao.
|
|
Trung bình mỗi tháng anh Tuấn làm từ 20-30 sản phẩm. Hầu hết các mặt hàng đều sản xuất theo dạng đơn hàng đặt nên xưởng mộc nhỏ của ông chủ 9X lúc nào bận rộn. Ước tính, mỗi tháng doanh thu mà anh Tuấn đạt được từ 60 đến 70 triệu đồng. Đồng thời, xưởng mộc cũng tạo ra việc làm cho từ 3 đến 4 nhân công, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Làm YouTube để có thêm tiền mua xích đu cho trẻ em
Với những sáng tạo độc đáo, cuối năm 2018, anh Tuấn nhận được 2 giải thưởng cho thanh niên khởi nghiệp. Một giải khuyến khích trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp” của tỉnh Bắc Giang, một giải khuyến khích của cuộc thi “Sáng tạo xanh” của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sắp tới, anh tiếp tục mang đề tài “Thổi hồn vào những sản phẩm tái chế” tham dự thi cuộc thi “Thanh niên nông thôn khởi nghệp” do Trung ương Đoàn tổ chức.
|
Ngoài đam mê khởi nghiệp, anh Tuấn còn có sở thích làm việc tốt vì cộng đồng. Mới đây, anh có ý tưởng lập một quỹ cá nhân tại xưởng, anh bàn với khách hàng, toàn bộ số tiền giao hàng khách trả sẽ được đưa vào quỹ, mỗi tháng trích ra đưa cho đoàn thanh niên xã để giúp đỡ cho trẻ em nghèo. “Được sự ủng hộ của mọi người, mình rất có động lực để thực hiện”, anh Tuấn nói.
|
Ngoài ra, ông chủ 9X cũng lập một kênh YouTube cá nhân có nội dung hướng dẫn làm đồ tái chế từ vỏ cây, thủy tinh, gỗ vụn… Anh thẳng thắn bày tỏ mong muốn kênh sẽ sớm phát triển: “Nếu có thêm tiền YouTube nữa thì tốt, mình sẽ giúp được nhiều người hơn”.
Anh Tuấn hồ hởi khoe với chúng tôi những chương trình sắp tới làm cho tụi nhỏ trong xã: “Tháng 6 sẽ tặng một cái xích đu cho lũ trẻ, còn cuối tháng 8 sẽ tặng sách cho trẻ em nghèo nữa. Mỗi tháng mình cũng dành được 500.000 đấy. Tuy không nhiều những cũng giúp người khác bớt chút khó khăn”.
Bình luận (0)