Chàng trai thu nhập cao nhờ... rắn độc

Phạm Đức
Phạm Đức
03/01/2019 08:09 GMT+7

Nguyễn Văn Thịnh đã thành công khi khởi nghiệp bằng công việc hết sức mạo hiểm: nuôi rắn ráo trâu và rắn hổ mang bành!

Sau 4 năm nuôi loài bò sát này, anh Thịnh (33 tuổi, ngụ thôn 5, xã Cẩm Quang, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang sở hữu trong tay 200 con rắn ráo trâu và 500 con rắn hổ mang bành bố mẹ trị giá hàng trăm triệu đồng.
Lãi trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi rắn độc

Nghề không phải ai cũng dám làm

Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi rắn, Thịnh cho biết đó là từ suy nghĩ muốn trở về quê lập nghiệp vì anh từng có 6 năm xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
“Thời gian ở xứ người, ban ngày đi làm, còn ban đêm tôi lên mạng tìm hiểu các mô hình vật nuôi ở VN mà người dân đang rất thành công. Mô hình nuôi rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc đã gây cho tôi sự tò mò, thích thú. Bởi làm nghề này ngoài đòi hỏi sự khéo léo thì cần phải gan dạ và đặc biệt là không phải ai cũng dám làm”, anh Thịnh nhớ lại.

Đầu năm 2014, trở về quê, Thịnh thực hiện ngay dự định của mình bằng việc ra Vĩnh Phúc tham quan, học hỏi các mô hình nuôi rắn ráo trâu. Qua tìm hiểu, loài rắn này có sức đề kháng rất cao, nọc rắn không gây độc cho con người nên nuôi rất an toàn. Đặc biệt, nghề này cho thu nhập cao trong khi chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với các loài động vật khác. Nắm bắt cơ hội này, Thịnh về nhà xin bố mẹ miếng đất rộng gần 100 m2 trong vườn nhà và bỏ 100 triệu đồng xây chuồng nuôi rắn.
Sau khi xin được giấy phép chăn nuôi, Thịnh quay trở lại Vĩnh Phúc để mua 500 con rắn ráo trâu con trị giá 100 triệu đồng về nuôi. Tuy nhiên, sau 5 tháng chăm sóc, 200 con rắn bị chết vì mắc bệnh. “Rắn chủ yếu chỉ mắc 3 loại bệnh chính là phổi, tim to và tiêu chảy. Nếu như người nuôi rành thì chỉ cần nghe nhịp thở và quan sát phân của chúng sẽ bắt được bệnh ngay. Do lần đầu tiên nuôi thử nghiệm còn nhiều bỡ ngỡ nên tôi đã không phát hiện được sớm để dùng thuốc chữa trị kịp thời”, Thịnh kể về thất bại đầu tiên gặp phải.
Để phòng tránh bệnh tật cho “vật nuôi”, Thịnh thường xuyên vệ sinh chuồng rắn, đảm bảo khô ráo, thoáng mát và thức ăn cho chúng cũng được anh tỉ mỉ lựa chọn. “Thức ăn của rắn là cóc, nhái và chuột nên tôi cùng người thân sử dụng bẫy để bắt mà không cần phải bỏ tiền ra mua. Nhưng rắn cũng rất kén, chúng thường chọn thức ăn còn tươi, nôm na là còn sống”, Thịnh nói.

Thu nhập cao hơn đi nước ngoài

Theo anh Thịnh, rắn con nuôi hơn 1 năm thì đạt khoảng từ 1 - 3 kg và cũng chừng ấy thời gian thì rắn sẽ giao phối để đẻ trứng. Rắn ráo trâu mẹ thường sinh sản 1 năm 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 15 - 20 trứng. Trứng loài rắn này có giá rất cao, trung bình từ 130.000 - 140.000 đồng/trứng, còn rắn thịt bán với giá 500.000 - 600.000 đồng/kg. Năm đầu tiên, anh bán được hơn 100 quả trứng rắn và 200 kg thịt rắn thương phẩm.
Dẫn chúng tôi vào xem chuồng nuôi rắn, Thịnh dùng chiếc gậy chuyên dụng cẩn thận bắt một con rắn trưởng thành nặng khoảng 1 kg, dài hơn 1 m ra giới thiệu: “Đây là rắn hổ mang bành, một loài rắn độc có khả năng gây chết người. Tuy nhiên, nọc độc của nó đã có thuốc chữa trị nên không đáng lo ngại. Để không bị nó tấn công thì khi bắt phải cực kỳ thận trọng”.
Thịnh cho biết thêm, sau khi thấy số rắn ráo trâu sinh trưởng và phát triển tốt, đầu năm 2017, anh mua thêm 500 con rắn hổ mang bành về nuôi thử nghiệm. Loài rắn này phát triển chậm hơn, rắn con nuôi sau 1 năm chỉ đạt khoảng 1 kg và mỗi năm rắn mẹ chỉ sinh sản 1 lần. Theo giá thị trường hiện nay, rắn thịt có giá từ 400.000 - 450.000 đồng/kg và mỗi quả trứng có giá 50.000 - 60.000 đồng.
“Hai năm gần đây, trung bình mỗi năm tôi xuất bán khoảng 2.000 quả trứng rắn và 500 kg rắn thương phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm cũng thu về hơn 250 triệu đồng. Thu nhập còn cao hơn đi nước ngoài làm việc mà lại rất nhàn”, anh Thịnh chia sẻ.
Với thành công trên, Thịnh dự định trong năm 2019 sẽ mở rộng chuồng nuôi rắn và sẽ ấp nở thêm 300 con rắn ráo trâu để nuôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.