Chàng trai tình nguyện lái xe cứu thương suốt mùa dịch

Như Lịch
Như Lịch
19/10/2021 09:00 GMT+7

Bốn tháng nay, anh Nguyễn Minh Trí (26 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) là tình nguyện viên lái xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19.

Trong đó, đã 3 tháng anh bám trụ phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (do Bệnh viện Da liễu TP.HCM phụ trách), đóng tại TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Từ đầu tháng 10, TP.HCM từng bước phục hồi các hoạt động và đưa cuộc sống người dân bước sang trạng thái bình thường mới. Tôi hỏi thăm: “Trí định trở về đi làm chưa?”. Trí nhã nhặn đáp: “Dạ chưa chị. Khi thành phố hoàn toàn kiểm soát được dịch, Bệnh viện (BV) dã chiến số 12 giải thể (theo lộ trình của Sở Y tế TP.HCM là đến cuối tháng 11.2021) thì em mới về nhà”.

Cứu mạng người là trên hết!

Anh Nguyễn Minh Trí làm nghề tài xế và cho thuê xe du lịch. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư (từ cuối tháng 4.2021), anh tham gia chạy xe cấp cứu 0 đồng của một nhóm thiện nguyện tại TP.HCM để chở F1, F0 đi cách ly và điều trị.

Sau khi ngưng việc ở nhóm thiện nguyện, anh trăn trở vì thấy người dân gặp khó khăn do giá thực phẩm tăng vọt. Anh lặn lội đến tận vườn tận vựa mua rau củ, trứng gia cầm về bán rẻ cho bà con.

Anh Nguyễn Minh Trí lái xe cứu thương phục vụ Bệnh viện dã chiến số 12

Như Lịch

Trong tháng 7, nhận thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca nhiễm ngày càng tăng, anh Trí khẩn thiết nhờ người quen xin làm tình nguyện viên chạy xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM. Khi đề đạt nguyện vọng, anh được hỏi: Anh có đồng ý vô BV dã chiến tham gia chống dịch và sẽ không được về nhà? Anh Trí dứt khoát: “Ok! Em sẵn sàng!”. Từ ngày 23.7, anh và một tài xế tình nguyện (anh Ngô Hoàng Phước, ngụ P.9, Q.3) được Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM bàn giao chiếc xe cấp cứu để làm nhiệm vụ tại BV dã chiến số 12.

Cả hai đợt xung phong làm tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân Covid-19 nói trên, anh đều bị gia đình cấm cản bởi cho là nguy hiểm, dễ bị lây bệnh. “Ngay từ lúc dịch bệnh xảy ra, em nghĩ con người ai cũng có một mạng sống thôi. Em nói với mẹ là giờ mẹ cấm, con vẫn đi nữa, có chết con cũng chịu thôi. Mẹ thấy không thể ngăn cản, đành chấp nhận cho em đi”, anh Trí nhớ lại.

Điều đáng nói, kể cả khi chưa được tiêm vắc xin, anh Trí vẫn xung phong chở bệnh nhân Covid-19. Đó là khoảng thời gian gần một tháng anh tham gia nhóm thiện nguyện chở F0 và gần một tuần đầu tiên làm tình nguyện viên lái xe cấp cứu tại BV dã chiến số 12.

Anh Trí cho biết ngày 27.7, anh được tiêm (mũi 1) vắc xin ngừa Covid-19. Đó cũng là ngày trực của anh, nên khi đang xếp hàng chờ đến lượt tiêm, anh nhận lệnh chở bệnh nhân đi cấp cứu. “Lúc ấy trong đầu em nghĩ “hy sinh” luôn, không cần chích cũng được. Mình cứ cứu mạng người trước đã!”, anh Trí kể. Anh tức tốc chạy đi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hồ sơ của bệnh nhân cần phải được bổ sung, nên anh được đề nghị quay trở lại điểm tiêm vắc xin…

Trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, anh và những tài xế tình nguyện thay phiên nhau chở nhiều bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên điều trị. Bạn bè anh hay tin, lo lắng: “Có cần mua nhang đèn về cúng xe hay cúng mày luôn không! Mày đi trực hoài, thấy ghê hà!”. Với Trí, anh cảm nhận từng giọt mồ hôi trên tóc nhiễu xuống áo của mình và lấy đó làm động lực, coi như mồ hôi công sức được đổ ra cho người dân. Anh bộc bạch: “Nhiều hôm em chạy xe không kịp ăn cơm. Em nghĩ thôi kệ, cứ lăn xả vì bà con. Cứu mạng người là trên hết!”.

Anh Nguyễn Minh Trí trước một ca trực đêm

Phục vụ bệnh nhân cho đến khi… bệnh viện dã chiến giải thể

Sau một tháng đầu tiên anh Trí làm nhiệm vụ tại BV dã chiến số 12, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM định luân chuyển anh sang nơi khác. Trong khi đó, anh bày tỏ mong muốn tiếp tục gắn bó với BV này.

Bác sĩ (BS) CK2 Lưu Ngọc Đông, Phó giám đốc BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12, dành nhiều lời khen ngợi về sự nhiệt tình và trách nhiệm của tổ lái xe cấp cứu (anh Trí, anh Phước, anh Tâm, anh Hây). Trong đó, đề cập đến anh Trí, BS Đông cho hay chỉ cần trong nhóm nhắn tin “Đội cấp cứu chuẩn bị chuyển một ca” là Trí trả lời ngay: “Dạ, vài phút nữa em có mặt dưới liền, anh chị chuẩn bị chuyển bệnh nhân xuống đi”. Đến khi chuyển xong, Trí phản hồi: “Dạ, em đã chuyển rồi ạ”. BS Đông nhận xét: “Trí rất tích cực. Tinh thần tích cực kéo theo những tinh thần khác tích cực và tạo sự gắn kết nhau nhiều hơn. Nhờ vậy, công việc dù rất vất vả, nhưng không khí làm việc hòa đồng”.

Dựa vào năng lực phục vụ bệnh nhân và hiệu suất làm việc rất tốt của Trí, đích thân BS Lưu Ngọc Đông đã liên hệ với lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đề nghị cho anh tiếp tục làm tình nguyện viên tại BV dã chiến số 12. BS Đông chia sẻ: “Tôi trình bày với các anh ở trung tâm rằng Trí đảm bảo chuyên môn và nhanh nhẹn, đáp ứng công việc rất tốt. Trí gắn bó, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng với các khoa phòng, nhân viên y tế trong BV nên công việc rất thuần thục và thuận lợi”.

Tính đến nay, đã 3 tháng anh Trí bám trụ phục vụ tại BV dã chiến số 12. Anh gắn bó từ những ngày đầu BV dã chiến số 12 được thiết lập và anh khẳng định sẽ tiếp tục tình nguyện lái xe cứu thương cho đến khi BV được giải thể sau khi hoàn thành sứ mệnh.

Ngoài việc chạy xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, anh Trí tự nguyện đem hai chiếc xe 45 chỗ và 16 chỗ của gia đình mình để phục vụ miễn phí cho đội ngũ tuyến đầu. Thời gian qua, anh đưa một số đoàn thầy thuốc thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Sơn La ra sân bay trở về miền Bắc sau thời gian chi viện tại BV dã chiến số 12. Anh còn chở những tình nguyện viên làm xong nhiệm vụ về tận nhà cũng như phục vụ nhu cầu đi lại cần thiết của một số nhân viên y tế… “Xe em chạy dịch vụ, nhưng trong mùa dịch đâu có dịch vụ để chạy. Thay vì đậu không, bánh xe cũng dễ bị hư, nên em đưa lên đây”, anh giải thích khiêm nhường.

BS Lưu Ngọc Đông cảm kích: “Trí luôn xung phong, dấn thân đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố. Tinh thần của một người còn trẻ mà cống hiến cho xã hội như vậy, tôi thấy rất tốt, rất đáng quý!”.

Tấm lòng hào hiệp

Quá trình làm tài xế chuyến xe 0 đồng và làm tình nguyện viên lái xe cấp cứu chở bệnh nhân Covid-19, anh Trí nhiều lần thể hiện tấm lòng hào hiệp. Anh được nhiều người biết đến qua những clip: Đưa em bé 8 ngày tuổi cùng bà ngoại của em nghi nhiễm Covid-19 đến khu cách ly; Giúp đỡ bà cụ 88 tuổi đi BV nuôi con trai út 52 tuổi (anh Trí phụ ẵm người con lên băng ca, hỗ trợ khâu thủ tục nhập viện, tặng bà cụ khẩu trang, chai xịt khuẩn, tấm chắn giọt bắn).

Trước đó, gần 3 tháng đầu năm 2020 xảy ra đại dịch Covid-19, anh Trí đã liên kết những anh em tài xế xe tải, container để vận chuyển miễn phí hàng chục ngàn khối nước ngọt đến với người dân vùng hạn mặn ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.