Trong tình thế cấp bách cứu người là trên hết giữa lúc dịch bệnh phức tạp, chị Tỉnh thu xếp chuyện gia đình, nhận nhiệm vụ điều dưỡng. Do có con nhỏ nên chị được bệnh viện (BV) sắp xếp làm việc tại bộ phận hành chính. Còn chồng chị, anh Châu Phú Hiếu (33 tuổi) cũng làm điều dưỡng chống dịch ở khu nhiễm 6 của BV điều trị Covid-19 An Bình.
Tiếp xúc nhiều trong môi trường BV có nhiều bệnh nhân (BN) Covid-19, ít lâu sau chị Tỉnh nhiễm bệnh. Sau khi khỏi bệnh, chị viết đơn xung phong chăm sóc BN tại khu nhiễm.
Nén nỗi niềm riêng
Chị Tỉnh kể khoảng đầu tháng 7.2021 chị nhận được thông tin BV An Bình chuyển đổi công năng thành BV điều trị Covid-19 An Bình. Khi đó, vợ chồng chị và ba mẹ chồng đều đang công tác tại BV, nên đã họp gia đình tính toán ai đi làm, ai ở nhà chăm 2 con nhỏ (bé Châu Gia Khánh, 4 tuổi và bé Châu Khánh Vy, 2 tuổi).
Vợ chồng điều dưỡng Bùi Thị Tỉnh - Châu Phú Hiếu trước đợt dịch thứ 4 |
NVCC |
Sau khi bàn bạc, mẹ chồng chị Tỉnh tính còn 2 năm nữa về hưu nên quyết định xin nghỉ hưu sớm để chăm 2 cháu, còn ba chồng chị thì làm việc tại Khoa Dược nên hằng ngày có thể về nhà. “Nhờ ba mẹ chồng yêu thương và thấu hiểu nên mình thấy rất an tâm đi chống dịch”, chị Tỉnh nói.
Thu xếp chuyện gia đình ổn thỏa, anh Hiếu nhận lệnh tham gia chống dịch tại khu nhiễm 6 kể từ ngày 10.7. Thời gian này, chị Tỉnh được bố trí làm việc tại bộ phận hành chính. Rồi khoảng 1 tháng sau đó, chị nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.
Chị Tỉnh kể: “Lúc đó tôi không dám nói với ai hết, hồi hộp gọi về cho mẹ và bà dì nói con F0 rồi. Mỗi ngày, tôi tiếp xúc biết bao nhiêu người, sợ lây cho bác sĩ, điều dưỡng... thì biết phải làm sao”. Sau đó, chị Tỉnh được cách ly, điều trị tại khu nhiễm 1. Thời gian này, anh Hiếu bộn bề công việc nên cũng khó xuống thăm vợ thường xuyên.
Chị Tỉnh nằm điều trị cùng phòng với các BN khác. Biết chị là điều dưỡng, BN cũng bất ngờ: “Cô cũng vào đây hả?”. Trong phòng bệnh, chị Tỉnh có lúc cũng lo lắng về vấn đề sức khỏe. Chị luôn thầm mong mau chóng hồi phục, được ra ngoài làm việc bình thường như các đồng nghiệp để chăm sóc BN.
Chị Tỉnh kể về những lần gặp mặt con “chớp nhoáng” |
BÍCH NGÂN |
Dù tinh thần có hơi suy sụp lúc đầu, nhưng về sau chị Tỉnh cố gắng ăn uống, tập thể dục đều đặn để cải thiện sức khỏe... Sau hơn 14 ngày, chị đã hoàn toàn khỏi bệnh và được xuất viện. Sau lần trải qua cảm giác là một BN bị hành hạ với đủ các triệu chứng, sợ nhất là khi bị mất vị giác..., chị Tỉnh luôn muốn được làm nhiều hơn để giúp đỡ, động viên xốc lại tinh thần của những BN Covid-19.
Do đó, chị Tỉnh bàn bạc với chồng sẽ xin ý kiến lãnh đạo BV xung phong vào khu nhiễm để chăm sóc BN. Dù có hơi lo lắng vì sau khi hết bệnh cũng cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhưng thấy vợ quyết tâm, nên anh Hiếu ủng hộ hết mình. Từ ngày 15.8, chị bắt đầu nhận nhiệm vụ chăm sóc BN tại khu nhiễm 1.
Chừng hơn nửa tháng sau khi chị Tỉnh khỏi bệnh, đến lượt anh Hiếu bị nhiễm Covid-19. Vượt qua khoảng thời gian khó khăn, vợ chồng anh chị càng thêm rắn rỏi, có nhiều kinh nghiệm khi chăm sóc BN Covid-19.
Nhớ con đến phát khóc
Gần 3 tháng làm nhiệm vụ chống dịch tại BV điều trị Covid-19 An Bình, vợ chồng điều dưỡng này đã tích lũy thêm cho bản thân nhiều kinh nghiệm. Thời gian làm việc mỗi ca trực là 12 tiếng. Trong mỗi ca trực, điều dưỡng thực hiện y lệnh thuốc, vệ sinh cá nhân cho các BN thở ô xy. Chưa kể, điều dưỡng phải lo lấy thức ăn ngày 3 lần rồi chia ra từng phần cơm, cháo, sữa phát cho BN. Việc nhiều, cộng với bộ đồ bảo hộ kín mít nên mỗi lần xuống ca, ai nấy đều đổ mồ hôi ướt từ đầu xuống chân, mệt rã rời.
Điều dưỡng Bùi Thị Tỉnh kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 |
BÍCH NGÂN |
Sau khi kiểm tra tình trạng BN, chị Tỉnh đến phòng hành chính tranh thủ ngồi nghỉ một lúc... Lúc này đồng nghiệp có người đang ăn vội bữa cơm trưa, có người vẫn đang làm việc.
12 tiếng đồng hồ quay cuồng với công việc, chị thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Nhiều hôm tối muộn, chị phải ngồi nán lại giải quyết cho xong công việc rồi mới bàn giao ca, bởi để dồn lại sẽ giải quyết không kịp. Do tính chất công việc xoay ca, kíp, phần lớn thời gian vợ chồng anh Hiếu dành cho BN nên thời gian ở cạnh nhau rất hiếm hoi.
Xa nhà, nhớ con, nhưng vợ chồng chị Tỉnh không đủ can đảm gọi điện về nhà, sợ con nhớ khóc đòi mẹ. Chị nhờ mẹ quay mấy clip sinh hoạt thường ngày của 2 con gửi qua để anh chị mở ra xem những lúc nhớ con. Chỉ cần nhìn thấy con thì bao nhiêu mệt mỏi trong anh chị đều tan biến.
Nhiều lúc nhớ, anh Hiếu và chị Tỉnh chạy xe về nhà đứng bên đường, nhắn tin kêu mẹ cho 2 đứa con ra ngoài sân chơi để anh chị nhìn chốc lát rồi đi ngay. Chị rưng rưng: “Mình sợ nguy hiểm, không dám ôm con, chỉ có thể đứng từ xa nhìn thấy con khỏe mạnh là đủ rồi. Nhưng lúc đó con giơ tay ra kêu ba mẹ ôm con đi... làm vợ chồng mình không thể kìm lòng, đành vội chạy xe đi thật nhanh”.
Bây giờ, vợ chồng chị Tỉnh chỉ mong sao nhanh hết dịch để được đoàn viên. Bao lâu xa cách, anh chị thèm được ôm 2 con thật chặt. (còn tiếp)
Ngày 2.10, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ CKII Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV An Bình, cho biết khi BV chuyển đổi công năng thì tất cả chuyên khoa đều được chuyển thành khu điều trị bệnh nhiễm từ 1 - 6, chỉ giữ lại khu hồi sức tích cực - chống độc và Khoa Cấp cứu. Trong đó, khu nhiễm 1, 2, 3 dùng để điều trị BN mới nhiễm, triệu chứng Covid-19 nhẹ. Còn khu nhiễm 4, 5, 6 điều trị BN có bệnh nền, triệu chứng Covid-19 nặng cần thở ô xy... Hiện BV có khoảng 700 giường điều trị BN Covid-19. Các bác sĩ, điều dưỡng... làm nhiệm vụ chống dịch tại BV được sắp xếp nghỉ ngơi, sử dụng thang máy theo ca, kíp để tránh lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Trường Giang cho biết thêm thời điểm BV vừa chuyển đổi công năng, về mặt nhân lực vẫn chưa đủ đáp ứng. Sau đó, BV đã tổ chức các buổi tập huấn tại chỗ cho anh em. Còn về mặt thiết bị y tế thì Sở Y tế TP.HCM, các nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ máy PCR để xét nghiệm, xe cứu thương, máy thở, máy X-quang kỹ thuật số... Đây là những thiết bị quan trọng trong điều trị BN Covid-19. Trước đó, BV cử 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng đi tăng cường cho phòng ICU (hồi sức tích cực) của BV điều trị Covid-19 Củ Chi, khoảng 40 - 50 người qua làm việc tại khu cách ly Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Bác sĩ Trường Giang có vợ là bác sĩ CKII Lâm Thế Phương, Phó trưởng khoa Tai mũi họng (Bệnh viện TP.Thủ Đức) và cả hai cũng đều trên tuyến đầu chống dịch suốt mấy tháng qua.
Bình luận (0)