Sau khi nghiên cứu và lập dự án, Nguyên được gia đình hỗ trợ mua 3.500 m2 đất tại thôn K'Long K'Lanh để trồng sâm Ngọc Linh. Thay vì gieo trồng sâm dưới tán rừng, chàng trai quyết định xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương để gieo trồng theo công nghệ mới. Nguyên trồng sâm theo từng luống rộng 2 m, kéo dài hàng chục mét, trên bề mặt đất, anh phủ một lớp lá cây rừng mục để giúp sâm phát triển ổn định, giống như trồng dưới tán rừng.
Tuy đã có nhiều kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, nhưng khi đến vùng đất mới và thay đổi cách canh tác Nguyên vẫn gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu. Khi xuống giống lần đầu, sâm thường bị chết, nấm bệnh, chậm phát triển do nhiệt độ trong nhà lưới chưa được xử lý chuẩn xác. Không nản chí, Nguyên nhẫn nại tìm hiểu cách chữa bệnh cho cây sâm qua internet, đồng thời tham khảo, học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
Sau 4 năm kiên trì, nay vườn sâm của Nguyên đang cho thu hoạch lá, hạt giống, cây giống và những củ sâm thành phẩm đầu tiên. Nguyên cho biết lá sâm được anh bán với giá 4 - 5 triệu đồng/kg; hạt giống có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/hạt; cây giống 1-3 năm tuổi từ 150.000 - 300.000 đồng/cây, còn củ sâm được bán với giá từ 40 triệu đồng/kg.
Hiện nay vườn của Nguyên có khoảng 8.000 cây sâm 1 năm tuổi, và chàng trai 26 tuổi cho biết năm nay sẽ ươm thêm khoảng 10.000 - 15.000 hạt. Ngoài ra, trong trang trại có một số luống sâm Ngọc Linh được di thực từ Kon Tum qua (lúc đó cây 2, 3 tuổi) đã thích ứng, phát triển rất tốt, nay cho củ khá lớn và đang thu hoạch. "Hiện trang trại sâm của tôi cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm, chủ yếu các mặt hàng sâm tươi. Tôi tính vài năm nữa mới triển khai các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh dạng tinh chế, vì bây giờ nguồn nguyên liệu chưa đủ nên sợ hụt nguồn hàng cung cấp cho thị trường", Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết đã từng đến tham quan, tìm hiểu trang trại trồng sâm Ngọc Linh của Nguyên. "Chúng tôi hoan nghênh cách làm của anh Nguyên. Nếu cây sâm Ngọc Linh phát triển phù hợp ở thôn K'Long K'Lanh là một tín hiệu đáng mừng, chúng tôi sẽ bổ sung vào đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", ông Châu nói.
Bình luận (0)