Ứng dụng công nghệ vào cây dược liệu kiếm tiền tỉ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
17/02/2023 06:00 GMT+7

Sinh ra và lớn lên tại Bắc Kạn, nơi có nhiều cây thuốc quý, sau khi học kinh tế tại New Zealand, Phạm Tiến Đạt đã về quê khởi nghiệp bằng nghề chế biến dược liệu và có doanh thu tiền tỉ.

TRĂN TRỞ VỚI CÂY DƯỢC LIỆU

Hiện anh Phạm Tiến Đạt (29 tuổi) là Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ dược liệu Bắc Hà, một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ nano cho cây nông sản. Sau 8 năm khởi nghiệp, đến nay, doanh thu hằng năm của công ty đạt trên 5 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 900 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 165 thanh niên.

Ứng dụng công nghệ vào cây dược liệu kiếm tiền tỉ  - Ảnh 1.

Ông chủ trẻ Phạm Tiến Đạt và sản phẩm do công ty của anh sản xuất

NVCC

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, ông chủ trẻ cho biết: "Sinh ra và lớn lên tại Bắc Kạn, vùng trồng dược liệu lớn nhất nhì cả nước, tôi chứng kiến cảnh ngày ngày người dân quê mình đẩy xe dược liệu bán sang Trung Quốc với giá rất rẻ, sau đó lại nhập sản phẩm được sơ chế, tinh chế từ dược liệu đó với giá đắt đỏ. Tôi luôn cảm thấy nuối tiếc khi người Việt sống trên nguồn dược liệu quý nhưng chưa biết cách khai thác để sử dụng, trong khi đó lại rất chuộng thực phẩm chức năng của nước ngoài".

Từ suy nghĩ đó, anh thành lập công ty để giúp người dân bao tiêu dược liệu, sau đó chế biến thành sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Anh phát triển vùng trồng dược liệu quý là những cây đặc trưng của địa phương như nghệ, giảo cổ lam núi đá, gừng gió, tam thất bắc… Năm 2015, anh thành lập Công ty CP công nghệ dược liệu Bắc Hà và xây dựng nhà máy sản xuất, áp dụng công nghệ tách chiết hoạt chất quý trong các loại cây dược liệu, để cho ra những sản phẩm quý bảo vệ sức khỏe. Đến nay, công ty đã có 8 nhóm sản phẩm đạt OCOP 4 sao, hướng đến việc nâng tầm 3 nhóm sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

CÂY MỌC DẠI THÀNH SẢN PHẨM TỐT CHO SỨC KHỎE

Năm 2021, anh Đạt cùng cộng sự đã nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm từ cây gắm, vốn mọc dại trên rừng, để thành một sản phẩm tốt cho người mắc bệnh gout. Công ty đã ứng dụng giải pháp "Công nghệ tách chiết hoạt chất quý trong cây gắm thành tinh chất bột siêu mịn dưới dạng viên nang", giải pháp này đã đạt giải nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6.

"Với giải pháp này, chúng tôi là đơn vị đầu tiên tại VN tách chiết thành công hoạt chất quý trong cây gắm thành tinh bột siêu mịn, đưa ra thị trường sản phẩm dạng viên nang có tinh chất cây gắm", anh Đạt tự hào nói.

Ứng dụng công nghệ rất hiện đại

Đánh giá về giải pháp công nghệ của Công ty CP công nghệ dược liệu Bắc Hà, PGS-TS Hồ Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, cho biết đây là một công nghệ rất hiện đại, còn ít đơn vị sản xuất thực phẩm ở VN ứng dụng được. Với giải pháp chiết tách hoạt chất trong các nông sản và cây thuốc, công ty đã tạo ra một số dòng sản phẩm nano kích thước hạt ở mức siêu nhỏ, dễ dàng được cơ thể hấp thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, công nghệ này đã nâng cao giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm chế biến từ dược liệu và nếu được sử dụng đúng cách sẽ hỗ trợ sức khỏe người dùng.

"Tôi đi tham quan nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm thì thấy rất ấn tượng với việc đầu tư thiết bị của cơ sở sản xuất này. Đó là những thiết bị cực kỳ hiện đại, tương tự với những công ty sản xuất công nghệ cao ở nước ngoài, áp dụng một quy trình chặt chẽ, tạo ra dòng sản phẩm an toàn cho người sử dụng", PGS-TS Hồ Tuấn Anh cho biết thêm.

Theo anh Đạt, tại VN, tỷ lệ người mắc bệnh gout ngày càng gia tăng, trong đó có 75% người bệnh nằm trong độ tuổi lao động. "Người bệnh phải sử dụng thuốc sẽ có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, chúng tôi chế biến ra loại thực phẩm hỗ trợ bệnh nhân. Gắm là loại cây dược liệu đã được sử dụng trong dân gian, có tác dụng trong điều trị gout, đau nhức xương khớp. Loại cây này thường mọc hoang dại trên rừng rất nhiều", anh Đạt chia sẻ.

Anh Đạt cũng cho biết, hiện nay tình trạng khai thác cây gắm ở Bắc Kạn vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, quy trình chế biến còn thô sơ, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả tách chiết không cao và chế phẩm bảo quản khó. "Chính vì vậy, bắt đầu từ tháng 1.2020, tôi và nhóm cộng sự tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm và đến tháng 2.2021 đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ tách được hoạt chất từ cây gắm về dạng bột siêu mịn dưới dạng viên nang", anh Đạt cho biết.

Ứng dụng công nghệ vào cây dược liệu kiếm tiền tỉ  - Ảnh 4.

Anh Phạm Tiến Đạt nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ nguồn cây thuốc quý ở địa phương

Giải pháp đã được áp dụng vào sản xuất tại Công ty CP công nghệ dược liệu Bắc Hà để sản xuất ra sản phẩm dạng viên nang 3 thành phần (tinh chất gắm, nano Curcumin, nano nấm Chaga) với tên gọi "BKA - Cumin gout" và được người tiêu dùng đón nhận.

"Công nghệ tách chiết hoạt chất quý trong cây gắm thành tinh chất bột siêu mịn dưới dạng viên nang được nghiên cứu thành công góp phần nâng cao giá trị của cây gắm, là cơ sở để phát triển cây gắm từ thu hái tự nhiên thành vùng nguyên liệu trồng xen canh trong rừng trồng sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động", anh Đạt kỳ vọng.

Chia sẻ về những thành công của mình, anh Đạt cho hay: "Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu, thành công của chúng tôi chính là đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, với hệ thống dây chuyền tự động hóa, bán tự động từ đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Hiện nay, các sản phẩm của nhà máy đã đạt chuẩn GMP của Bộ Y tế, qua đó giúp nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng uy tín, thương hiệu cho cây dược liệu ở Bắc Kạn".

Với những nỗ lực và sáng tạo của mình, năm 2022, anh Đạt được trao giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn, dành cho những thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.