Chàng trai Việt tham gia loạt kỹ xảo bom tấn Hollywood

Lê Nam
Lê Nam
15/03/2020 10:00 GMT+7

Nguyễn Phùng Minh Luân, 34 tuổi, từng góp tên mình vào ê kíp hậu kỳ loạt phim “bom tấn” Hollywood, quyết định trở về Việt Nam làm việc với mong muốn tái hiện sử Việt trên màn ảnh.

Kinh đô điện ảnh Hollywood trong thập niên qua đã cho ra mắt hàng loạt phim “bom tấn”, với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo đồ họa hoành tráng và đẹp mắt. Những màn đánh phép huyền thoại trong Harry Potter; những pha hành động nghẹt thở của The Hunger Games - Đấu trường sinh tử; những cú sét rung trời của Thần sấm - Thor nằm trong vũ trụ siêu anh hùng của Marvel... khiến người yêu phim khắp địa cầu mê mẩn.
Ít ai biết rằng trong số những người góp sức làm nên thành công của các tác phẩm ấn tượng ấy có một chàng trai người Việt. Anh là Nguyễn Phùng Minh Luân, thường được gọi là Luân Nguyễn.

Sớm mê kỹ xảo điện ảnh

Ngay từ khi còn nhỏ, Luân Nguyễn đã say mê những bộ phim của Hollywood với các phân cảnh kỹ xảo hấp dẫn. Tốt nghiệp cấp 3 tại TP.HCM, anh trúng tuyển vào Trường đại học Nghệ thuật Lasalle của Singapore và lên đường du học, mặc cho bạn bè khi đó hoài nghi, ngờ vực.
Chuyên ngành của anh là họa sĩ vẽ hoạt hình 3D, nhưng khi ra trường anh lại làm việc cho một công ty kiến trúc. Những đòi hỏi trong công việc khiến Luân Nguyễn quyết định dành thêm một năm để tu nghiệp tại Trường nghệ thuật thị giác 3D Sense Media, được lập nên bởi các chuyên gia kỹ xảo hàng đầu Hollywood.
Chàng trai Việt tham gia loạt kỹ xảo bom tấn Hollywood1

Luân Nguyễn

Ảnh: Lê Nam

Nghỉ việc làm kiến trúc, Luân Nguyễn có 4 năm đầu quân cho văn phòng Singapore của Công ty kỹ xảo Double Negative (trụ sở ở Anh). Đây chính nơi đầu tiên chàng trai trẻ tiếp cận một ê kíp sản xuất hùng hậu, với hàng trăm con người ngày đêm không ngừng sáng tạo.
Ở công ty này, Harry Potter Bảo bối tử thần (phần 2 tập 7, sản xuất năm 2011) là dự án đầu tiên anh được tham gia. Là một người mới hoàn toàn, phần việc Luân Nguyễn được đảm nhận không quá nhiều. Tuy nhiên, những người giám sát dự án nhận thấy nhiều tiềm năng từ chàng trai người Việt này. “Sau đó, khối lượng công việc ngày một nhiều lên, công ty cũng tin tưởng giao cho mình những cảnh hoành tráng hơn với trọng trách cao hơn”, Luân Nguyễn nói với Thanh Niên.
Hơn 10 năm làm việc trong ngành kỹ xảo điện ảnh, Luân Nguyễn góp tên mình vào ê kíp hậu kỳ những phim bom tấn Hollywood như Tomb Raider: Huyền thoại bắt đầu, Thor (phần 2+3), Fast & Furious 6, Godzilla... Song dự án để lại bước ngoặt lớn trong công việc của anh là The Hunger Games 2 & 3” (tựa đề tiếng Việt Đấu trường sinh tử). Anh được giao phụ trách chính trong việc lên ý tưởng và xây dựng bối cảnh cho cả một thành phố lớn.
“Những kinh nghiệm làm việc ở công ty kiến trúc giúp mình có nhiều kiến thức nền để xây dựng một thành phố trong phim. Đạo diễn có những mong muốn riêng, nhưng mình cũng phải đảm bảo bối cảnh phù hợp với câu chuyện. Về mặt thẩm mỹ, các thiết kế cũng phải ấn tượng”, nhà sáng tạo kỹ xảo hình ảnh người Việt kể.
Với việc đầu tư chất xám và sự sáng tạo không giới hạn, mức thu nhập trong ngành kỹ xảo điện ảnh khá hấp dẫn. Luân Nguyễn chia sẻ ở các công ty anh đã từng làm việc, mức lương dao động từ 90.000 - 100.000 USD/năm, (khoảng 2 - 2,3 tỉ đồng). Còn nếu làm việc theo dự án, mức thù lao của anh thường nhận từ 10.000 - 15.000 USD cho khoảng 4 tháng làm việc. Ngay ở Harry Potter Bảo bối tử thần - dự án đầu tiên mà anh nhận được sau khi ra trường, anh đã kiếm được 3.000 USD.
Chàng trai Việt tham gia loạt kỹ xảo bom tấn Hollywood2

Luân Nguyễn và các đồng nghiệp trong ê kíp làm kỹ xảo cho phim Thor: Tận thế Ragnarok (Thor phần 3)

Ảnh: NVCC

Giấc mơ làm phim sử Việt

Giữa năm 2018, Luân Nguyễn quyết định dừng công việc tại Công ty kỹ xảo Rising Sun Pictures ở Úc để trở về Việt Nam phát triển dự án cá nhân. Cố Du được ra đời từ đó. Sử dụng thành công công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) để tái hiện khung cảnh, đồ vật bị tàn phai qua năm tháng, tác phẩm của Luân Nguyễn làm sống lại một phần cuộc sống hằng ngày của tầng lớp quý tộc Việt Nam trong triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Anh đã bỏ ra gần nửa tỉ đồng để thực hiện dự án thử nghiệm này mặc dù chỉ phát trên YouTube. Dù không quảng bá rộng rãi nhưng Cố Du vẫn được một số trang báo quốc tế chú ý và viết bài đánh giá. “10 năm vừa rồi mình chỉ tập trung làm hậu kỳ cho sản phẩm quay sẵn. Cố Du là dự án cá nhân mà bản thân đảm nhiệm hết các khâu. Có làm rồi thì mình mới hiểu được phải làm gì tiếp theo, làm như thế nào để phù hợp điều kiện thực tế ở Việt Nam”.
Hiện tại, Luân Nguyễn vẫn đang hoạt động trong ngành kỹ xảo điện ảnh và miệt mài tham gia làm hậu kỳ cho nhiều dự án phim trong và ngoài nước. Mức lương có thể không cao như trước nhưng anh cảm thấy hoàn toàn hài lòng.
Về dự định trong tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê là sử dụng công nghệ CGI để tái hiện, phục dựng một số công trình kiến trúc, di tích lịch sử đã mai một của Việt Nam. Xa hơn nữa, anh đang tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án phim điện ảnh cũng về đề tài lịch sử.
“Có nhiều cách để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, người sưu tầm cổ vật, người thì viết sách. Cách của mình chính là thông qua thế giới phim ảnh và kỹ xảo đồ họa để phục dựng, lưu giữ những điều xưa cũ của lịch sử Việt Nam”, Luân Nguyễn trải lòng với Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.