Đậu ĐH với tổng số điểm 27,75 (khối A) nhưng chàng trai nặng 30 kg Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi, Trường Trần Văn Dư, H.Phú Ninh, Quảng Nam) khiêm tốn bảo: “Là do em may mắn”.
Một trong những sở thích của Tín là chơi cờ tướng - Ảnh: H.S
|
Tín thật sự không muốn nói nhiều về kết quả đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua bởi theo Tín, nhiều thí sinh khác cũng có điểm rất tốt. Và Tín càng không muốn mọi người chú ý đến mình vì em là một người bị bệnh xương thủy tinh có điểm thi cao.
Phải mất rất nhiều thời gian nói chuyện, Tín mới thật lòng: “Em rất ngại khi nói về bản thân của mình. Em chưa vào trường nên cũng chưa có gì là chắc chắn”. Ông Nguyễn Hoàng (51 tuổi, ba Tín) cho biết, Tín là con út trong gia đình có 2 anh em. Lúc mới chào đời, Tín cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm 1 tuổi rưỡi, cả gia đình đau lòng phát hiện Tín bị bệnh xương thủy tinh.
Năm lên 6 tuổi, thấy bạn bè được tới trường, Tín cũng xin ba mẹ được đi học. Nước mắt lăn dài, ông Hoàng kể tiếp: “Tui cho con đến trường phần vì thương con, phần mong muốn con biết mặt chữ để sau này đỡ khổ. Hồi Tín học cấp 1, trường ở xa lại đường đất, nắng bụi mưa lầy nên rất vất vả”. Để giúp Tín theo đuổi con chữ, hằng ngày, ông Hoàng đều đặn 2 vòng đưa đón. Trừ những lúc mưa gió bão bùng, lúc nào Tín cũng có mặt ở lớp. Cứ thế suốt 12 năm ròng rã, từ bế khi Tín còn nhỏ đến cõng trên lưng khi em sắp thành một thanh niên, ông Hoàng trở thành “đôi chân” của Tín.
Dù đối mặt với hàng chục lần gãy chân, chằng chịt vết mổ trên chân, dù có lắm lần tủi hổ vì không thể bước đi trên đôi chân của mình nhưng Tín luôn cố gắng học hành như chưa hề gặp phải trở lực nào. 12 năm đèn sách, ngày thi tốt nghiệp, Tín được ba đưa ra Đà Nẵng dự thi. Tín vào phòng thi trên đôi chân của ba với quyết tâm có phần cao hơn những ngày bình thường đến lớp. “Trước khi đi thi, em đã giải rất nhiều đề nhưng điểm số các lần đều không như mong đợi. Nhưng khi vào thi thật thì em rất thoải mái. Có khi nhờ vậy mà em đã đạt được điểm môn toán 8,75, 2 môn vật lý và hóa học cùng đạt 9,5 điểm”, Tín nói.
“Em học ít lắm. Có ngày không học được chữ nào nữa. Khi có hứng em mới bày biện sách vở ra làm bài tập, giải đề các môn”, Tín trải lòng. Tín kể chưa bao giờ gò ép mình vào việc học. Còn khi đã học thì cũng nghiền ngẫm những điều cơ bản tiếp thu được trên lớp và thêm các sách tham khảo. Nhưng có một điều Tín khẳng định là phải có đam mê, đặc biệt là với các môn yêu thích.
Chỉ thích vào nhóm ngành máy tính - công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), Tín quyết tâm theo con đường mình đã chọn dù biết trước những khó khăn khi đi học xa nhà, ở một thành phố không người thân. Nói về những dự định của con, ba Tín cho biết, sẽ đưa Tín vào TP.HCM nhập học rồi tính tiếp. “Vào đến đó, thấy cháu có thể tự lập và có cảm giác yên tâm thì tôi sẽ về. Còn nếu không được như vậy, tôi sẽ khăn gói vào trong đó làm thuê, làm mướn gì đó để chăm sóc cho Tín”, ông Hoàng chia sẻ.
Bình luận (0)