Theo tìm hiểu, chàng trai chạy xe ôm trả lại Vertu ấy là Dương Văn Đức (quê Vĩnh Long), vừa tốt nghiệp cấp 3 thì chuyển lên Sài Gòn sống cùng mẹ tháng trước. Đức muốn kiếm tiền sớm một chút để phụ mẹ nên chạy xe ôm công nghệ.
Tấm lòng “giàu có”
Sáng 10.11, trong lúc đón khách trước cổng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), Đức nhặt được một điện thoại, bỏ vào túi và tiếp tục chở khách. Chạy xong cuốc xe, Đức mày mò mở được nguồn, xem lịch sử cuộc gọi để tìm chủ nhân chiếc điện thoại. Khi anh Võ Quốc Bình (Q.Thủ Đức) liên hệ lại, Đức xác minh rất kỹ: Khoảng thời gian làm rơi, ở đoạn đường nào, chiếc điện thoại màu gì, bao da trông ra sao… vì biết giá trị của điện thoại không hề nhỏ và “mình chỉ muốn hỏi thật kỹ càng để vật về đúng với chủ”.
Sau khi xác minh, Đức hẹn gặp anh Bình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) trả lại điện thoại. Trước sự việc hy hữu này, anh Bình chia sẻ lại trên trang Facebook: “Chiếc điện thoại này bán lại cũng hơn 100 triệu chứ không ít. Nhưng em trai ấy đã không tham, chỉ mong trả lại cho người đánh mất. Có thể em ấy chưa nhiều tiền nhưng chắc chắn là đang sống rất giàu có! Khó khăn chỉ là nhất thời!…”.
Đức không giấu được niềm vui: “Lúc nhặt được điện thoại, mình tìm cách liên hệ với chủ nhân liền mà không do dự hay là đợi tới chiều mới trả. Anh đó nhận được điện thoại vui lắm, mình cũng vui nữa. Mình chỉ nghĩ trả điện thoại rồi thôi, cuộc sống sẽ bình thường, không ngờ được nhiều người biết đến, cha mẹ thấy vậy nở mày nở mặt, thầy cô dưới quê cũng vui lắm”.
|
“Tánh nó thương người”
Do Đức không nhận bất kỳ hậu tạ nào nên hôm qua anh Bình bất ngờ tặng Đức một “cần câu”: Khóa học lái xe 6 tháng để lấy bằng và học chăm sóc ô tô (đồng, sơn, nội thất); khi rành nghề có thể làm việc tại công ty của anh hoặc làm lái xe, tùy Đức lựa chọn. Món quà bất ngờ này được cư dân mạng thả tim rào rào vì cho rằng đó là cái kết có hậu.
Trả lời Thanh Niên, Đức cho biết rất vui và sẽ học nghề chăm sóc ô tô trước, việc học lái xe có thể tiến hành song song. Đức cũng tính toán sẽ học trong khoảng thời gian rảnh và duy trì chạy xe ôm nên không lo lắng về chi tiêu.
Kể về cậu con trai, bà Nguyễn Thị Thanh (45 tuổi, mẹ của Đức) tự hào: “Đức có tánh thương người lắm”. Bà cho biết Đức còn một người anh trai khác cha đang học ngoài bắc. 7 năm trước, bà Thanh lên TP.HCM làm đủ việc kiếm sống; mỗi năm hai mẹ con chỉ gặp nhau vài lần. “Sắp thi tốt nghiệp cấp 3, Đức gọi điện nói với tôi là không thi đại học. Tôi bảo con cứ chọn cái nghề nào thật thích để học, mẹ ráng lo được, nhưng Đức nhất quyết không chịu. Con nói mẹ lo không nổi đâu vì còn anh hai nữa, để con đi làm sớm kiếm tiền phụ mẹ lo cho anh học”, bà Thanh kể.
|
Mỗi ngày, hai mẹ con rời nhà trọ lúc 4 giờ sáng. Đức chạy đón khách, còn bà Thanh bán cháo dinh dưỡng trên đường Đặng Chất (Q.8). Hôm nào Đức trả khách gần đó sẽ ghé qua phụ mẹ bán. Người mẹ nhớ chuyện: “Năm Đức học lớp 3, lần đầu tiên tôi cho con 2.000 mua quà bánh. Chiều đi học về con khoe chỉ uống nước 1.000 thôi và trong lúc mua nước thấy bà cụ ăn xin đáng thương quá nên con cho bà rồi”. Bà Thanh khi ấy không tin được con mình còn nhỏ mà đã suy nghĩ như vậy. Nhưng tính Đức là thế.
Vài ngày trước, Đức chạy xe về khuya rồi tâm sự với mẹ rằng con mà có tiền là con đi làm từ thiện cho mấy người vô gia cư sống ở dưới chân cầu, gầm cầu…
Bình luận (0)