Chánh án Nguyễn Hòa Bình: 'Hòa giải là tác động các bên, không có cố chấp'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/05/2020 14:00 GMT+7

Chán án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hòa giải về bản chất là tác động vào tâm lý các bên tranh chấp, khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp.

Sáng 23.5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội thảo luận về dự án luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, theo dự thảo luật thì việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, cần phải làm rõ địa điểm ở ngoài tòa án do tòa quyết định hay do các bên tự thỏa thuận. “Nếu một trong các bên hòa giải không đồng thuận, hòa giải bên ngoài, tòa án sẽ giải quyết ra sao?”, ông Hòa nêu tình huống.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Hòa giải ly hôn, 2 vợ chồng có thể dẫn nhau lên chùa"

Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện của việc tổ chức hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án. “Địa điểm bên ngoài trụ sở tòa án cũng phải đảm bảo được sự an toàn, nghiêm túc, thuận lợi, tránh những nơi dễ gây phản cảm, mất an toàn và hòa giải viên toàn quyền quyết định đồng ý hay không đồng ý với việc đề nghị hòa giải, đối thoại ở địa điểm ngoài tòa án”, bà Dung nói.

Hòa giải ly hôn, 2 vợ chồng có thể dẫn nhau lên chùa

Giải trình về vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc địa điểm hòa giải bên ngoài tòa án mà cần có sự thỏa thuận của 2 bên thì sẽ rất khó triển khai.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích, hòa giải về bản chất là tác động vào tâm lý của các bên tranh chấp, làm sao khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng và hướng thiện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và không có cố chấp. Do đó, theo ông Bình, việc tác động thường lần lượt các bên và chủ yếu là tác động vào bên đi kiện.
“Ví dụ như 2 bên nợ nần nhau, bên khó khăn không trả được, bên đi đòi đâm đơn kiện thì chủ yếu tác động vào bên đi đòi, bên kiện, làm sao người ta chia sẻ khó khăn của bên bị và người ta chấp nhận bỏ phần lãi suất hoặc giảm bớt một phần, thu lại một phần và 2 bên thỏa thuận với nhau”, ông Bình nêu.
“Hay 2 vợ chồng trục trặc, ly hôn vì cô vợ phát hiện được anh chồng có vi phạm gì đó về mặt đạo đức thì chủ yếu tác động chia sẻ, vị tha vì các con. Người ta có thể rủ nhau lên chùa nhờ hòa thượng nói thêm, nhưng việc này chỉ cần một bên thôi chứ không nhất thiết phải 2 bên dẫn nhau lên chùa”, ông Bình dẫn chứng, và cho rằng trong những trường hợp thực tế như thế này mà cần sự thống nhất 2 bên về địa điểm thì “hết sức khó khăn”.
Hòa giải, đối thoại tại tòa là một chế định mới được áp dụng với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện gửi đến tòa án.
Theo dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, địa điểm hòa giải có thể tại tòa án hoặc bên ngoài trụ sở tòa án. Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, những người có liên quan chậm nhất là 5 ngày, trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.