Băn khoăn tính khả thi cơ chế hòa giải tại tòa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/09/2019 08:53 GMT+7

Đánh giá cao kết quả thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa, song nhiều ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi luật hóa cơ chế này.

Ngày 6.9, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trình bày tờ trình của TAND tối cao về dự án luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho hay hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 17 địa phương đã đạt được thành công nhất định.
Hòa giải đối thoại thành công đạt tỷ lệ lên tới trên 70%, rút ngắn được thời gian, chi phí giải quyết các vụ việc. “Chi phí trung bình cho một vụ việc hòa giải, đối thoại thành công chỉ bằng 22% cho chi phí xét xử sơ thẩm một vụ việc. Chưa kể chi phí hành chính, văn phòng, bồi dưỡng cán bộ trong hòa giải, đối thoại cũng tiết kiệm hơn rất nhiều so với chi phí trong tố tụng”, ông Du thông tin.
Từ đó, TAND đề nghị xây dựng luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để có cơ chế pháp lý mới, hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại tòa; thu hút được nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm tham gia phối hợp cùng tòa án trong hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; giảm tải công việc cho tòa án các cấp trong bối cảnh tổ chức bộ máy đang thu gọn, biên chế bị tinh giản.
Đánh giá cao kết quả thí điểm mô hình hòa giải, đối thoại tại tòa, song nhiều ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi khi luật hóa cơ chế này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phân tích: nếu làm không khéo thì có thể kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, thay vì tòa sẽ thụ lý ngay thì lại thêm một thủ tục hòa giải, sau đó không hòa giải được, tòa thụ lý giải quyết lại phải hòa giải một lần nữa theo quy định của luật Tố tụng dân sự.
“Riêng hòa giải tiền tố tụng hiện nay những người có tranh chấp đã kêu rất nhiều rồi. Nhiều khi rất khó, vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng rồi vẫn phải hòa giải. Tranh chấp đất đai cũng vậy”, ông Hiếu nói, đồng thời đề nghị chỉ cần sửa bộ luật Tố tụng dân sự để nắn lại quy trình, khi người dân nộp đơn thì tiến hành hòa giải luôn, sau đó nếu hòa giải không thành thì mới lập hồ sơ để giải quyết sẽ nhanh gọn hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, cũng cho rằng thực tế thí điểm ở TP.HCM cho thấy còn nhiều khó khăn chưa giải quyết được từ vấn đề kinh phí cho tới những người được huy động làm hòa giải, đối thoại viên nên đề nghị cân nhắc việc thông qua luật để áp dụng ngay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.