Chánh án tối cao: 'Không có chuyện tòa án xử phạt cả giao thông, thuế vụ'

23/11/2023 07:55 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định không có chuyện "mấy triệu vụ xử hành chính từ giao thông, môi trường đến thuế vụ dồn hết cho tòa án".

Chiều 22.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi. Theo đề xuất tại điều 26 dự thảo, tòa án sẽ có thẩm quyền "xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật". Nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Chánh án tối cao: 'Không có chuyện tòa án xử phạt cả giao thông, thuế vụ' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (trái) và đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi

GIA HÂN


Tạo áp lực rất lớn cho tòa án?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng quy định như dự thảo sẽ gây áp lực rất lớn cho tòa án các cấp. Bởi lẽ, số lượng vụ án, vụ việc cần giải quyết hiện đã quá nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi biên chế nguồn lực của ngành tòa án còn hạn chế.

Nữ đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ, cho thấy năm 2023, các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc xử phạt hơn 5,6 triệu vụ việc vi phạm hành chính. "Nếu giao thêm nhiệm vụ giải quyết xét xử vi phạm hành chính này cho tòa án sẽ thiếu tính khả thi", bà Nhi nói.

Vẫn theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, trường hợp cần thiết bổ sung nhiệm vụ xét xử vi phạm hành chính cho tòa án thì cần sửa trước các nội dung tại luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Tố tụng hành chính… rồi mới bổ sung vào dự thảo luật Tổ chức TAND. "Chúng ta đang làm theo hướng ngược lại, các quy định này sẽ không đồng bộ và sẽ khó khả thi", bà Nhi nêu quan điểm.

Đại biểu không đồng tình việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án

Cùng mối quan tâm như đại biểu Nhi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhận định việc mở rộng thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính của tòa án là tiến bộ, phù hợp với xu thế quốc tế, nhưng xét trong bối cảnh hiện nay thì có khả thi hay không.

Ông Nghĩa dẫn chứng mỗi năm có tổng số vụ việc xử phạt hành chính từ 4 - 6 triệu, cộng thêm hơn 600.000 vụ việc mà tòa án các cấp thụ lý. Trong khi đó, biên chế của ngành tòa án chỉ có 13.306 người, vẫn đang thiếu gần 2.000 người.

"Như vậy, tính khả thi khi chuyển giao chức năng cho tòa án được thực hiện sẽ như nào?", vị đại biểu đặt câu hỏi, và cho rằng trước mắt nên cho phép tòa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, còn với cá nhân thì sẽ từng bước theo lộ trình.

Chánh án tối cao: 'Không có chuyện tòa án xử phạt cả giao thông, thuế vụ' - Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

GIA HÂN

"Không có nghĩa mấy triệu vụ xử hành chính dồn hết cho tòa"

Giải trình trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, luật pháp hiện hành đang cho tòa án thẩm quyền giải quyết 4 vi phạm hành chính, gồm đưa người đi chữa bệnh bắt buộc, đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và các hành vi vi phạm về tố tụng.

Quy định như dự thảo luật vẫn tiếp tục kế thừa theo hướng luật cho phép đến đâu thì tòa án làm đến đó. Ví dụ, luật cho phép xử phạt 4 lĩnh vực như hiện nay thì tòa án sẽ làm tốt 4 việc này, trong tương lai luật cho thêm việc gì thì tòa làm thêm việc đó.

"Nghị quyết 27 của T.Ư nói là mở rộng quyền xét xử các việc vi phạm hành chính cho tòa án. Nhưng chúng tôi thận trọng làm tốt 4 việc hiện nay luật đang cho, sắp tới Quốc hội cho thêm gì thì chúng ta làm việc đấy. Không có nghĩa mấy triệu vụ xử hành chính từ giao thông, môi trường đến thuế vụ dồn hết cho tòa án, không có việc như thế", Chánh án TAND tối cao khẳng định.

Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình: ‘Tòa án là phải đứng thẳng’

Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi cho thấy, có 9 ý kiến tán thành với dự thảo luật liên quan đến việc bổ sung thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính cho tòa án.

Ngược lại, có 4 ý kiến không tán thành và 8 ý kiến băn khoăn. Lý do, theo Hiến pháp năm 2013, tòa án không phải là cơ quan giải quyết các vi phạm hành chính (trừ xét xử các vụ án hành chính và xử lý các vi phạm hành chính đã được quy định).

Nhóm quan điểm này cho rằng việc chuyển chức năng xử lý các vi phạm hành chính từ Chính phủ sang tòa án cần có tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đồng thời phải tính tới tính khả thi của quy định; vì vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo luật.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.