Độc đáo hơn cả là bánh tráng phơi sương, ăn với thịt heo luộc và rau Tây Ninh. Ngoài các loại rau thông thường, rau Tây Ninh phải có 4 loại: quế vị, the - lá cóc non, chua - rau nhái (sao nhái), đắng - lá sông (lá non), chát; gộp lại thành thực phẩm chức năng, kích thích tiêu hóa. Trảng Bàng còn là quê hương của bánh tráng trộn, bánh canh, muối tôm... Lễ hội diễn ra từ 6 - 12.4, trong tổng thể các hoạt động chào mừng Tây Ninh 180 tuổi (1836 - 2016).
Khoan bàn tới nội dung và cả hình thức, chỉ riêng tên gọi cũng đáng hoan nghênh. Tây Ninh chưa mạnh về du lịch, chưa tổ chức lễ hội bao giờ. Bánh tráng, đặc sản địa phương được chọn làm chủ đề cho lễ hội đầu tiên của tỉnh. Xin được chúc mừng, chia vui với người dân Tây Ninh và các fan Việt ghiền đủ thứ bánh tráng khắp năm châu. Tây Ninh đã tiên phong trong việc chọn món ngon địa phương làm chủ đề lễ hội.
Bánh tráng, có nguồn gốc từ Nam bộ, hàng mấy trăm năm. Là loại thực phẩm gần gũi, bình dân và dễ hiểu như tên gọi; phổ biến và có mặt khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, quán quê hay gánh hàng rong. Sau này, dân đàng ngoài phải gọi là bánh đa để tránh kỵ húy với chúa Trịnh Tráng. Ban đầu, bánh được tráng từ bột gạo; dần dà có thêm bột khoai mì (sắn), bắp (ngô) và các phụ gia như mè (vừng), dừa, muối, tiêu, hành, tỏi và cả nước mắm… rồi phơi khô (các tỉnh bắc Trung bộ gọi là bánh khô).
Bánh tráng nào cũng phải phơi nắng hay sương cho khô. Bánh tráng dày nướng chín mới ăn được. Bánh tráng mỏng chỉ cần thoa nước là cuộn thành bì cuốn, nem cuốn, chiên lên thành chả giò (nem) hoặc cuốn với đủ thứ món ăn trên đời. Bánh tráng phơi sương là biến tấu của bánh tráng phơi nắng. Tương truyền, do người vợ quên đem vỉ bánh tráng vào nhà, để qua đêm, sương ướt cả bánh. Người chồng thương vợ, không muốn bị mẹ la nên mời cả nhà dùng bánh ăn sáng luôn với rau trên bàn. Ai cũng tấm tắc vì lạ miệng và vị riêng của bánh. Bánh tráng phơi sương ra đời từ đó, được cải tiến và kỳ công nhất trong các loại.
Tiếc là lễ hội vẫn tổ chức theo lối mòn với sân khấu hóa, truyền hình trực tiếp, ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, làm bánh tráng to nhất VN... rất tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả). Phần giới thiệu quy trình làm bánh tráng chưa tới nơi, còn thiếu hồn. Sẽ hấp dẫn hơn nếu có phần giới thiệu làm đặc sản muối tôm thủ công, dù Tây Ninh không có biển. Hoặc hướng dẫn khách làm các loại bánh tráng trộn. Lễ hội là dịp giảm giá đặc sản Tây Ninh để PR. Kết hợp giới thiệu các điểm đến, nối thành tour, để giữ khách qua đêm.
Đây là dịp để nâng chất dịch vụ và cả phục vụ. Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng là 3 huyện có mặt tiền đường Xuyên Á. Mỗi ngày có 78 chuyến xe liên vận quốc tế Sài Gòn - Phnom Penh khứ hồi, chưa kể xe các công ty du lịch, xe công tác và xe gia đình.
Từ lễ hội bánh tráng Tây Ninh, lại nghĩ về những ngày hội (tôi không thích từ festival hay lễ hội) các món ngon của từng địa phương, bởi ẩm thực là thế mạnh nhất của du lịch VN. Dĩ nhiên, cần thay đổi tư duy làm sự kiện, đoạn tuyệt các lễ hội khoa trương, hình thức, lấy người dân và du khách làm chủ thể.
Chợt mơ có ngày hội “Những người bán hàng rong” để những người lao động chân chính cũng được góp sức làm du lịch. Đó sẽ là nét mới lạ, không chỉ của các địa phương, mà của du lịch cả nước.
Bình luận (0)