Cùng với quyết định này, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần việc Việt Nam phải nhận thức được mình sống trong trạng thái có dịch, và “vui mừng, nhưng phải cảnh giác, vui mừng nhưng mà có bước đi, cách làm phù hợp”.
Tuy vậy, được “tháo cũi sổ lồng” sau 3 tuần, rất nhiều người dân đã đổ ra đường uống cốc cà phê, ăn bát phở sáng, gặp gỡ bạn bè, mà dường như quên hẳn nguy cơ đang chờ chực.
Cho đến thời điểm hiện nay, tất cả những gì loài người có trong tay để chống lại đại dịch toàn cầu này chỉ là ý thức bảo vệ chính mình và hệ thống y tế mong manh có thể quá tải bất cứ lúc nào. Không có vắc xin, chưa thuốc đặc trị, và không có phép màu nào cả.
Chỉ cần một người mất cảnh giác, dịch sẽ len vào, và với sự lây lan âm thầm, nhanh khủng khiếp của nó, chẳng mấy chốc một cộng đồng sẽ bị phong tỏa để chống dịch. Kể từ khi bùng phát vào tháng 12.2019 tại Trung Quốc, Covid-19 đã dạy thế giới nhiều bài học như vậy. Không ai ngờ được, sau Trung Quốc, Hàn Quốc lại trở thành ổ dịch. Khó ngờ hơn, sau đó lại đến châu Âu, và sau đó nữa là nước Mỹ.
Gần với Việt Nam và gần đây nhất, Singapore cũng là một ví dụ điển hình. Từng là hình mẫu chống dịch của thế giới, chỉ trong 3 ngày, Singapore bỗng trở thành ổ dịch, với hơn 3.500 ca bệnh mới xuất hiện. “Singapore đã làm đúng hầu hết mọi việc”, tờ New York Times nhận định.
Điều Việt Nam tránh nhất bây giờ chính là “đúng hầu hết mọi việc”. Phải nhớ rằng, ngay từ đầu dịch, ý thức được vị trí nhạy cảm của mình (ngay sát Trung Quốc, có hoạt động giao lưu rộng rãi với Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu), sự mong manh của hệ thống y tế và vật tư phòng dịch của mình, Việt Nam đã sớm cảnh giác với dịch, một cách cao hơn hầu hết các nước trên thế giới. Việc cảnh giác nào cũng có giá của nó. Chúng ta đã trả giá cao để có được an toàn. Chính vì thế, Việt Nam đi qua giai đoạn 1 của dịch với chỉ 16 bệnh nhân, không ca tử vong. Chúng ta cũng "có vẻ" đang đi qua giai đoạn 2 của dịch, với 268 bệnh nhân và vẫn chưa có ca tử vong. Nhưng không có nghĩa là đợt dịch thứ 3 sẽ không tới.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo toàn thế giới, và cảnh báo riêng Việt Nam, về việc dịch lúc nào cũng có thể quay trở lại. Nhiều chuyên gia cảnh báo vào mùa đông năm nay, dịch còn có thể quay lại mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, kỳ vọng lạc quan nhất vào vắc xin đại trà, cũng phải trong 12 - 18 tháng nữa.
Vậy thì, vũ khí bảo vệ chúng ta khỏi đại dịch là gì? Một lần nữa, chỉ là chính ý thức của mỗi chúng ta. Hãy bảo vệ bản thân mình thật tốt, bởi vì dịch vẫn rình rập ngoài kia. Hãy luôn tâm niệm điều đó.
Bình luận (0)