Theo bộ này, 12 cựu quan chức này đã được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay đều đã nghỉ hưu, theo quy định, họ phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước. Tuy nhiên, dù đã gửi thông báo 2 - 3 lần, các cựu quan chức này vẫn chưa chịu trả lại nhà.
Chuyện quan chức về hưu vẫn khư khư “chiếm” nhà công vụ, “chây ì” không chịu trả lại từ lâu đã không còn là chuyện mới mẻ. Cứ lâu lâu, dư luận lại phải một lần ngán ngẩm khi đọc những tin tức như vậy trên các báo đài.
Nhà công vụ là tài sản của nhà nước, chỉ được cấp cho các cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền theo những tiêu chuẩn cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho họ làm việc. Điều đó cũng có nghĩa, nhà công vụ không phải là tài sản cá nhân và khi người ta không còn phục vụ ở cương vị đã được quy định rất rõ thì phải có trách nhiệm trả lại nhà cho nhà nước, nhất là khi đã về hưu.
Vì vậy, việc các quan chức đã về hưu, không còn phục vụ vẫn giữ nhà công vụ, không chịu trả lại phải nói là hành vi đáng xấu hổ, cần phải lên án. Bởi nó không chỉ thể hiện sự thiếu gương mẫu của những cán bộ nhà nước - những người hơn ai hết phải hiểu biết pháp luật - mà còn thể hiện lối tư duy đặc quyền, đặc lợi. Sẽ không người dân nào tin vào tính liêm chính của những quan chức dù đã về hưu vẫn giữ những quyền lợi của mình như những “ông từ giữ oản”, không chịu buông bỏ.
Không những thế, người dân nào cũng biết rằng chi phí cho những ngôi nhà công vụ cấp cho các quan chức trên thực tế đều lấy từ ngân sách nhà nước - cũng là tiền thuế của nhân dân. Do đó, khi các quan chức không còn tiêu chuẩn mà không trả lại nhà công vụ cho nhà nước cần được coi là một loại tham nhũng cần được xử lý về mặt pháp luật chứ không chỉ lên án về mặt đạo đức công vụ.
Những quan chức với lối tư duy đặc quyền, đặc lợi nói trên tiếp tục không bị xử lý sẽ làm xói mòn niềm tin của người dân, đồng thời khiến người dân phải đặt dấu hỏi về nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng đến. Bởi, ngay cả chuyện những thông báo đòi nhà được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cũng cho thấy tình thế khó khăn của cơ quan chức năng trong việc đòi lại nhà công vụ từ các cựu quan chức này.
Vì rằng, nếu áp dụng đúng các quy định pháp luật, dư luận đáng ra đã phải được đọc một bản tin về việc cưỡng chế thu hồi nhà công vụ của quan chức chây ì chứ không phải là nghe "tiếng thở dài của ông thứ trưởng Bộ Xây dựng".
Bình luận (0)