Dù đúng, cũng phải... chờ

Vũ Hân
Vũ Hân
03/03/2021 04:51 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều lần. Hai lần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội (Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14) về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Chính phủ đã ban hành các nghị định mới hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, trong đó đã có quy định đơn giản hóa thủ tục về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.
Ít nhất 3 bộ trưởng đã có lời hứa.
Nhưng từ 2019 đến nay, mới chỉ có Bộ GD-ĐT bỏ được các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như một yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ viên chức. Các ngành khác vẫn còn phải đợi, nghĩa là hàng trăm nghìn công chức, viên chức vẫn phải chạy đua thi chứng chỉ.
Một việc đã thống nhất về nhận thức là không có tác dụng gì ngoài việc tạo ra “hành trình khốn khổ” khiến công chức, viên chức phải tốn kém “chạy” để qua các “cửa ải” (chữ của đại biểu Đinh Duy Vượt - Gia Lai, sử dụng khi chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tại Quốc hội hồi tháng 9.2019), đã được yêu cầu sửa đổi từ cấp cao nhất - Quốc hội, nhưng đã hơn 2 năm qua, vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Sau nhiều ý kiến đổ dồn chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại các kỳ Quốc hội, vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ có vẻ “sắp” được giải quyết (nếu thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư, đang được Bộ dự thảo, tới đây sẽ được ban hành). Những gì còn lại thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành - những bộ không bị chất vấn.
Người viết đã từng gặp Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bên lề Quốc hội và “than” về những bất cập của chứng chỉ. Ví như, có những nhà báo đã làm việc đến 30 năm, giành đủ các giải thưởng, bây giờ bỗng dưng phải đi học lớp buổi tối để lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngắn hạn! Hay, phóng viên làm việc hằng ngày với máy tính, trên đủ các phần mềm cập nhật mới nhất, vẫn phải đi thi lấy chứng chỉ tin học văn phòng với phần mềm Office 2003… thứ không còn ai sử dụng nữa.
Ngay buổi đó, bộ trưởng dẫn một số phóng viên đến gặp lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ, hỏi: Bộ có quy định như vậy không và yêu cầu: “Bỏ đi”. Sau đó, các nhà báo nghe tin bộ trưởng “đã chỉ đạo quyết liệt” để sửa quy định này. Tuy nhiên, đến nay, tất cả những ai hành nghề báo chí cũng vẫn phải chờ. Thậm chí, nhiều người cẩn thận vẫn vừa chờ vừa học chứng chỉ, vì chưa biết chỉ đạo của bộ trưởng được thực hiện ra sao.
“Chúng ta tự hỏi quy định này có thực chất với bản thân mình không, rồi hãy quy định cho người khác...”, đại biểu Đinh Duy Vượt nói những lời gan ruột tại hội trường Diên Hồng tháng 5.2019.
Không có ai phản đối ý kiến của ông, vì nó đúng. Chỉ có điều, không hiểu sao, làm cái đúng lại mất thời giờ đến vậy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.