Đó là 1 chuyến xe buýt thuộc HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng chạy tuyến Bến xe Q.8 - Đại học Quốc gia (Thủ Đức). Theo thông tin mới nhất thì nữ tiếp viên của chiếc xe buýt ấy, từ chối phục vụ người đi xe lăn nọ, đã bị tạm đình chỉ công tác 5 ngày để làm rõ vụ việc.
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao trên xe buýt có bố trí hàng ghế dành riêng cho người khuyết tật, nhưng lại từ chối cho người khuyết tật lên xe? Hàng ghế ghi rõ chữ “ưu tiên” dành riêng cho người khuyết tật, phụ nữ mang thai và người cao tuổi trên hầu hết các chiếc xe buýt tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đều mang tính “nhân bản”.
Có lần tôi lên xe buýt và vô tình ngồi nhầm chỗ vào hàng ghế “ưu tiên”, liền được tiếp viên nhắc nhở sang ngồi ở hàng ghế khác. Điều đó có nghĩa người khuyết tật là đối tượng được quan tâm hàng đầu trên xe buýt cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng khác.
Dành riêng chỗ ngồi, chỗ đậu xe, chỗ xếp hàng, chỗ đi vệ sinh… cho người khuyết tật là cách ứng xử được người dân ở các nước văn minh đồng tình tán thành. Không những vậy, họ còn có một “nguyên tắc sống” là người lái ô tô nhường đường cho người đi xe đạp, người đi xe đạp nhường đường cho khách bộ hành, người đi bộ nhường đường cho người ngồi xe lăn. Cách ứng xử ấy chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng về hành vi chuẩn mực của mỗi cư dân trong đời sống xã hội.
Và, chúng ta đã và đang chứng minh cho thế giới biết rằng, Việt Nam cũng văn minh không kém trong việc quan tâm đến người khuyết tật. Bằng chứng là người khuyết tật và người già được miễn, giảm vé xe buýt theo quy định.
Phải chăng vì “miễn, giảm vé” nên chị tiếp viên nọ đã từ chối cho người ngồi xe lăn lên xe buýt, sợ “thất thu”? Chúng ta hy vọng không phải vì lý do này, vì nếu đúng như vậy thì cách ứng xử ấy quá tệ.
Khi được sinh ra trên cõi đời này với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, đó là diễm phúc của mỗi người chúng ta và ngược lại, đó là sự bất hạnh. Ở nước ta, từ nam chí bắc, đã và đang xuất hiện rất nhiều những tấm lòng nhân ái sẵn sàng mở rộng vòng tay cưu mang những người khuyết tật, góp phần xoa dịu nỗi bất hạnh của họ.
Vì thế, nếu không giúp được gì thì chúng ta cũng đừng khiến họ, đối tượng vốn đã bị tổn thương về thể xác, nay lại phải “gánh” thêm sự tổn thương về tinh thần.
Bình luận (0)