Không chỉ người tiêu dùng thiệt

08/04/2021 04:37 GMT+7

Đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines không nhận được sự ủng hộ của bất cứ ai, từ chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Ở lần đề xuất trước đó, cơ quan quản lý cũng “bác” thẳng tay.

Lý do thì rõ quá rồi, người tiêu dùng chịu thiệt. Đơn giản là áp giá sàn thì sẽ chấm dứt các chương trình vé 0 đồng mà thỉnh thoảng các hãng tung ra kích cầu giúp nhiều người mua được vé giá rẻ, thậm chí nhờ đó mà nhiều người mới có cơ hội được “đi máy bay”. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi. Việc áp sàn giá vé máy bay không chỉ một mình người tiêu dùng chịu thiệt mà còn ảnh hưởng đến cả ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chúng ta đều biết, trước đây khi chỉ có một hãng hàng không quốc gia, vài chục chiếc máy bay, mạng lưới đường bay nội địa và quốc tế đều thưa thớt nên giá vé cao, dịch vụ yếu, đi lại khó khăn. Thế nên “đi máy bay” hơn 1 thập kỷ trước vẫn là xa xỉ với hầu hết người dân trong nước. Khoảng chục năm trở lại đây, nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân mới tạo ra một sân chơi cạnh tranh hơn và ngành hàng không Việt Nam đã thực sự lột xác cả về chất lượng, dịch vụ. Cũng nhờ thế, hành khách mới có cơ hội đi máy bay với giá hợp lý, có quyền lựa chọn hãng nào phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình.
Nhưng hàng không không chỉ đứng một mình mà liên quan đến rất nhiều ngành. Đầu tiên là du lịch. Hàng không cạnh tranh, du lịch cũng được nhờ bởi trong cơ cấu giá tour, chi phí vé máy bay là lớn nhất. Vé máy bay rẻ, giá tour rẻ theo, thu hút được du khách trong và ngoài nước. Nếu nhìn lại quá trình tăng trưởng của hàng không 1 thập kỷ trở lại đây khi có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân sẽ thấy cũng khá tương đồng với sự tăng trưởng của du lịch, vốn được chúng ta coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy hàng không mà hắt hơi, du lịch chắc chắn cũng bệnh nặng. Mà du lịch bệnh thì vài chục ngành liên quan như hệ thống khách sạn, vui chơi giải trí, lữ hành, ẩm thực... cũng bệnh theo. Nên nói chỉ người tiêu dùng chịu thiệt thôi là rất thiếu, mà cả nền kinh tế chịu thiệt.
Quan trọng hơn, nếu triệt tiêu cạnh tranh ở thị trường hàng không, chúng ta sẽ tạo ra tiền lệ cho các ngành khác. Rồi viễn thông, rồi xăng dầu, rồi điện nước, vận chuyển... họ có quyền đòi hỏi những chính sách tương tự chứ? Họ cũng bị ảnh hưởng, cũng khó khăn vì dịch bệnh mà? Không lẽ chúng ta lại tiếp tục triệt tiêu sự cạnh tranh ở các thị trường này để “cứu” một hay một vài doanh nghiệp? Vậy thì nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu sức cạnh tranh của hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực bị loại bỏ?
Chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế thị trường tự do và cạnh tranh chính là sức mạnh mà hầu hết các nền kinh tế thị trường tự do dựa vào để đảm bảo rằng các doanh nghiệp thỏa mãn được các nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.
Triệt tiêu cạnh tranh có thể giúp một doanh nghiệp thắng nhưng chắc chắn sẽ khiến cả nền kinh tế thua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.