Áp sàn giá vé máy bay: Hàng không tăng thu, khách hàng chịu thiệt

07/04/2021 06:19 GMT+7

Việc Vietnam Airlines một lần nữa đề xuất áp giá sàn vé máy bay gây ra nhiều lo ngại khách hàng sẽ chịu thiệt thòi, không được hưởng vé giá rẻ, cũng như ảnh hưởng bất lợi cho ngành du lịch đang cần đà phục hồi.

Vượt qua dịch bệnh bằng cách giảm cạnh tranh?

Trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Vietnam Airlines đã đề xuất giá trần tăng 50.000 - 250.000 đồng/khách, giá sàn từ 414.000 đồng/chặng - 1,4 triệu đồng/chặng. Theo đó, giá sàn được áp dụng theo 2 cách tính: cách 1 đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019; và cách 2 là giá sàn bằng 35% giá trần.

Đề xuất giá sàn của Vietnam Airlines

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN DU

Giá sàn sẽ áp theo từng chặng cụ thể, với các chặng bay dưới 500 km, giá trần hiện tại là 1,6 triệu đồng, hãng này đề xuất giữ nguyên với nhóm đường bay phát triển KT-XH, tăng 100.000 đồng, lên 1,7 triệu đồng/chặng với nhóm đường bay khác, đồng thời áp giá sàn 414.000 đồng/chặng.
Đường bay từ 500 - 850 km, giá trần đề xuất tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/chặng, giá sàn 570.000 hoặc 787.000 đồng/chặng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng, giá sàn 755.000 đồng hoặc 1,11 triệu đồng/chặng. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần hiện tại là 3,2 triệu đồng, đề xuất tăng lên 3,4 triệu đồng chặng, giá sàn 804.000 đồng hoặc 1,19 triệu đồng/chặng.
Đường bay trên 1.280 km, giá trần hiện tại là 3,75 triệu đồng được đề xuất tăng lên 4 triệu đồng, giá sàn 917.000 đồng hoặc 1,4 triệu đồng/chặng.
Theo Vietnam Airlines, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, giảm bớt cạnh tranh giữa các hãng. Vì vậy, hãng này đề xuất có thể nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay trong giai đoạn nhất định, nhưng phải trong giai đoạn Covid-19. Đến khi thị trường phục hồi có thể xem xét bỏ giá sàn.
Giải thích cho lý do đề xuất này, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để vượt khó khăn, đồng thời Chính phủ cũng rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng hàng không tại Việt Nam... “Vietnam Airlines nêu ra mọi giải pháp để bàn bạc, không loại trừ bất cứ giải pháp nào. Việc quyết định lựa chọn giải pháp nào sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, cân nhắc và xem xét thực hiện”, ông Tuấn nói.
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho rằng, hãng chưa bao giờ bán vé giá 0 đồng và không ủng hộ cạnh tranh bằng cách phá giá, mà cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng sản phẩm ưu việt nhằm mang đến khách hàng sản phẩm dịch vụ tốt nhất... Như vậy, hành khách cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các vấn đề an ninh, an toàn, đúng giờ, chất lượng dịch vụ mặt đất, trên không.

Hết thời vé 0 đồng?

Hiện Bộ GTVT chỉ quy định khung giá trần vé máy bay nội địa, song không quy định giá sàn. Đây là lý do các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường đưa ra các chính sách giá khuyến mãi 0 đồng vào mùa thấp điểm để kích cầu. Vietjet và Pacific Airlines cũng thường đưa ra các chương trình khuyến mãi giá vé 39.000 đồng hoặc 99.000 đồng/vé (chưa gồm thuế, phí). Đề xuất áp giá sàn nếu được thông qua sẽ chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng.
Trên thực tế, Covid-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí Tết Nguyên đán 2021, các hãng giảm giá vé máy bay chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay. Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn 1 năm qua, các hãng liên tục cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm.
Dù vậy, theo đại diện một hãng hàng không, việc áp giá sàn có thể giúp các hãng tăng doanh thu, song sẽ gây thiệt thòi cho khách hàng rất lớn, do không còn chính sách giá vé 0 đồng hoặc giá vé rẻ vài chục nghìn đồng. Ngành hàng không từng mất nhiều năm để bỏ giá sàn, theo cơ chế thị trường, nếu quay trở lại giá sàn sẽ làm giảm tính cạnh tranh giữa các hãng.
Đây cũng là lần thứ 2 Vietnam Airlines đưa đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Hồi tháng 3.2017, hãng đề xuất Cục Hàng không VN, Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho 1 vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, giá trần là 4,2 triệu đồng. Đề xuất này sau đó nhận nhiều quan điểm trái chiều và không được Bộ GTVT chấp thuận. Bản thân Vietjet thời điểm đó cũng kiến nghị lên Bộ GTVT không đồng tình với quy định giá sàn vé máy bay nội địa, do cho rằng không phù hợp với quy định của luật Cạnh tranh năm 2014. Mặt khác, quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không còn phổ biến trên thế giới.
Được biết, đề xuất áp giá sàn mới là ý kiến được đưa ra tại cuộc họp cấp cơ sở giữa Vietnam Airlines và Cục Hàng không Việt Nam. Hiện Cục Hàng không Việt Nam chưa đưa ra ý kiến chính thức gì về đề xuất của hãng.
Ngoài đề xuất về giá vé, Vietnam Airlines cũng đề xuất có thêm hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Hãng này đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ. Đặc biệt, Vietnam Airlines muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, cũng như được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Đồng thời, hãng cũng xin được thực hiện nghiệp vụ thuê mua với số lượng đạt trên 50% trong đội máy bay.

Khách hàng chịu thiệt

Không đồng tình với đề xuất áp giá sàn cho vé máy bay, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, trước đây, trong bối cảnh thị trường hàng không chủ yếu bị chi phối bởi 1 - 2 hãng hàng không, nhà nước buộc phải áp dụng chính sách giá trần để quản lý giá vé, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Sau đó, thị trường hàng không Việt Nam thay đổi với sự tham gia của các hãng hàng không mới, không chỉ khiến các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn phải “so găng” bằng giá. Nhờ vậy mới có vé máy bay giá vài trăm ngàn, dành cho đối tượng người dân có mức sống trung bình.
Thị trường đang cạnh tranh, có nhiều sự lựa chọn cho nhiều đối tượng người dân, tự nhiên lại áp giá sàn để cắt dòng cạnh tranh, cắt cơ hội đi máy bay giá rẻ của người tiêu dùng, là quá vô lý
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Thế nhưng, nếu không phải do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vé máy bay gần như lúc nào cũng đã ở mức cao, giai đoạn nào các hãng cũng có cớ để không giảm giá. Vé các chặng “hot” như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng... luôn ở mức kịch trần. Điều đó cho thấy dù thị trường có nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của các hãng mới thì khách hàng vẫn chưa được hưởng lợi gì về giá vé. Các DN luôn biết cách để đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Nếu bây giờ áp giá sàn, các DN hàng không càng có cớ chính đáng để không giảm giá, chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
“Thị trường đang cạnh tranh, có nhiều sự lựa chọn cho nhiều đối tượng người dân, tự nhiên lại áp giá sàn để cắt dòng cạnh tranh, cắt cơ hội đi máy bay giá rẻ của người tiêu dùng, là quá vô lý. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, giá vé máy bay tăng sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch sau dịch”, ông Bùi Trinh nhấn mạnh.
Một số nước từng áp dụng giá sàn như Trung Quốc từ năm 2004 nhằm chấm dứt “cuộc chiến” về giá, hạn chế các hãng cạnh tranh bằng cách bán dưới giá thành. Tuy nhiên, tới năm 2013, hàng không Trung Quốc đã bỏ giá sàn. Với Đức, năm 2019, một số chính trị gia đưa ra ý tưởng giá sàn do giá một số đường bay ngắn rẻ hơn cả giá đường sắt, song tới nay vẫn chưa chính thức áp dụng. Ấn Độ áp dụng giá sàn từ tháng 5.2020. Theo đó, nước này chia giá vé nội địa thành 7 nhóm căn cứ thời gian bay (mức sàn bằng 33 - 35% mức trần), 40% số chỗ phải bán nằm ở mức giá trung bình trần/sàn để hạn chế các hãng bán ở mức cao. Tại Đông Nam Á, hiện Indonesia áp giá sàn nhằm hạn chế các hãng hàng không bán giảm giá, mức giá sàn bằng 35% mức giá trần.
Đồng quan điểm không nên áp giá sàn vì sẽ làm mất tính cạnh tranh của thị trường, song PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng có thể nghiên cứu thay đổi giá trần vé máy bay. Cũng như giá xăng, giá điện, trần giá vé máy bay cũng cần điều chỉnh linh hoạt dựa theo chi phí đầu vào. Thời gian qua, tuy giá nhiên liệu không tăng nhưng các hãng hàng không phải tốn rất nhiều chi phí do giảm bay, điêu đứng vì dịch bệnh.
“Nếu giải trình chi phí của DN hợp lý, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh giá trần và giám sát tác động tới thị trường. Không nên áp giá sàn vì chắc chắn người tiêu dùng không có lựa chọn, còn giá trần thì khác. Hãng nào lợi dụng tăng quá cao thì người dùng vẫn có cơ hội lựa chọn hãng khác hoặc chuyển hẳn sang phương thức di chuyển khác”, ông Long đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.