Tuyên chiến với 'công ty ma'

Anh Vũ
Anh Vũ
17/07/2020 04:23 GMT+7

Từ loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty “ma” của Báo Thanh Niên , dư luận cảm thấy rất khó hiểu khi việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp suốt thời gian qua quá dễ dãi.

Nó dễ đến mức có thể biến một anh chăn bò, chị giúp việc với chứng minh nhân dân giả, địa chỉ “ảo” thành chủ tịch, tổng giám đốc hàng chục công ty có vốn cả trăm, nghìn tỉ đồng chỉ trong “một đêm”.
Đành rằng tự do kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục, trao sự chủ động đăng ký doanh nghiệp (DN) cho người dân là chủ trương đúng, tạo điều kiện cho số đông DN làm ăn, kinh doanh chân chính; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý trong cấp phép kinh doanh, khai sinh DN.
Bởi những thông tin giả mạo, “công ty ma” đã và đang gây ra hậu quả vô cùng nguy hiểm. Trong 12 đại án tham nhũng, Vũ “nhôm” thông qua một loạt công ty do anh, em, vợ, lái xe… giật dây thâu tóm 15/22 nhà, đất công và 6/7 dự án tại Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách gần 22.000 tỉ đồng. Những lái xe, thư ký này bỗng chốc được khoác lên mình chức vụ “hữu danh vô thực”, để rồi đưa họ ra đứng trước vành móng ngựa trong cay đắng. Đại án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh cũng thành lập 12 công ty để đứng tên cho các khoản vay tại một số ngân hàng khác. Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của 12 công ty. Các tổng giám đốc chỉ có nhiệm vụ duy nhất là ký tên vào giấy tờ, hồ sơ vay tiền để rồi tất cả vướng vào vòng lao lý.
Rõ ràng, nếu động cơ hay dấu hiệu bất minh khi lập công ty được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu và hậu kiểm liên tục thì nhiều vụ việc “động trời” đã được ngăn chặn từ rất sớm. Tuy nhiên, để chấn chỉnh, dẹp bỏ triệt để các “công ty ma”, giải pháp quan trọng nhất là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan cấp phép, quản lý, giám sát giấy phép đăng ký kinh doanh. Nếu tất cả các ngành như thuế, hải quan, bảo hiểm, lao động, chính quyền địa phương đều dùng chung dữ liệu, cùng một hệ thống thì việc gian dối, giả mạo, lừa đảo về địa chỉ, trụ sở, hóa đơn... sẽ khó xảy ra. Đáng tiếc, giải pháp này hiện nay vẫn còn đang phải chờ Bộ Công an “kích hoạt” cơ sở dữ liệu chung quốc gia về dân cư. Còn hiện tại, việc cấp phép và quản lý DN đang rơi vào cảnh “ai làm việc người đó”. Quận, huyện kiểm tra, giám sát trên địa bàn thiếu sự phối hợp với sở KH-ĐT, để cơ quan này thoải mái cấp phép theo thông tin mà DN tự ý khai báo. Trong khi lẽ ra, hai cơ quan này phải trực tiếp trao đổi, kết nối dữ liệu để kiểm tra chéo, chặn ngay từ đầu các hồ sơ giả mạo.
Buông lỏng quản lý, phải xử lý trách nhiệm trước hết là người cấp phép, giám sát, kiểm tra… các DN “ma” đã bị người dân, báo chí phát hiện. Với “ông chủ” của các công ty này cũng cần phải tăng chế tài, phạt hành chính thật nặng, thậm chí khởi tố vụ án nếu để lại hậu quả nghiêm trọng như trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu...; không thể để tình trạng “lờn luật”, phạt cho có như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.