Từ chùa Từ Đàm ngược lên đàn Nam Giao, quãng lưng chừng dốc bên tay phải đường Điện Biên Phủ có quán cháo lòng Mụ Đồng, nổi tiếng từ trước năm 1975. "Tiếng lành đồn xa", cháo lòng Mụ Đồng được các tài xế xe đò ngay bến Từ Đàm lưu truyền đi khắp mọi miền. Còn chúng tôi biết đến nơi đó do tình cờ...
Sau giải phóng Huế một năm, tôi và nhà thơ H. cùng làm quen với hai chị em gái ở ngôi nhà trên đường Điện Biên Phủ. Hai nàng xinh đẹp nết na, chẳng khác gì Thúy Kiều - Thúy Vân. Hồi đó các nàng áo trắng ngạc nhiên vì hai anh lính người Bắc có khiếu văn nghệ. Họ cứ nghe tuyên truyền, tưởng “mấy ông VC trong rừng về phải dữ tợn, thô kệch lắm”. Ai ngờ gặp chàng trai Hà thành H. dáng điệu thư sinh, lại làm thơ nổi tiếng; còn tôi cũng là chàng lính ham văn nghệ, chơi ghi ta thành thạo và cũng biết hát... nhạc Trịnh. Cô chị hiền lành, nhân hậu. Cô em xinh đẹp và... đanh đá. Tôi kết cô chị, "nhường" cho H. cô em. Mối tâm tình ấy kể ra còn nhiều điều thú vị, nhưng có một điều đáng nhớ là nhà hai nàng gần quán cháo lòng Mụ Đồng, nên thi thoảng cô em hay đòi hai anh đãi cháo lòng. Hình ảnh những bộ quân phục màu lá xanh cùng với tà áo dài trắng líu ríu bước vô quán, trước bao con mắt ngưỡng mộ và cả khó chịu. Mặc kệ! Vì cháo lòng Mụ Đồng rất ngon.
Hồi đó mụ Đồng chừng năm mươi tuổi, bằng tuổi mạ của hai em gái Huế kia. Tính mụ hơi trầm, thi thoảng mới có một nụ cười xã giao, hai bàn tay nhanh thoăn thoắt phục vụ khách, miệng liến thoắng chỉ đạo con gái, con trai tíu tít chạy bàn. Quán nườm nượp khách, nếu đến đúng giờ cao điểm, không còn chỗ mà ngồi. Tô cháo lòng ở đây vừa đủ ăn, không to, không nhỏ quá. Những hạt gạo nở bung nhưng còn nguyên mà không nát, nước dùng trong vắt nhìn rõ từng hạt gạo, lát hành, còn những váng mỡ vàng màu ớt thì bám một vành nhỏ xung quanh miệng tô. Hành ngò trụng nước sôi rồi mà vẫn xanh tươi, thơm hắc. Tôi thường tránh nhìn vô tô cháo, ráng không nuốt nước miếng trước mặt hai người đẹp. Phần trên tô cháo hấp dẫn quá, một lượt xếp mỏng những miếng nội tạng của con heo. Lát gan, dồi trường màu nâu. Mấy miếng bao tử, ruột non màu trắng, lấm tấm mấy cục huyết điểm xuyết, miếng tim tai tái bao bọc vài sợi mỡ trắng. Chén nước chấm đỏ ớt đậm đà. Người ăn nhẩn nha đưa từng muỗng cháo vô miệng, chấm một miếng nội tạng vô chén nước mắm rồi thong thả nhai, tận hưởng hương vị giòn ngọt, bùi béo.
Mối tình của hai chàng lính Bắc với hai nàng Kiều xứ Huế thơ mộng được một thời gian. Nhà thơ H. sau đó ra quân sớm để vô đại học, còn tôi nhịp đời đưa đẩy vô tuốt trong miền Tây Nam bộ. Tuy vậy, mỗi lần viết thư cho hai nàng Huế, chúng tôi đều hỏi thăm. "Quán Mụ Đồng chừ ra răng?". "Vẫn rứa! Tụi em qua ăn thường ngày. Chỉ có người xưa không thấy mô hết. Ghét!". Nàng Kiều em nói lẫy. Sau này, có lần gặp nhau ở Hà Nội, tôi hỏi nhà thơ H. nhớ gì nhất trong thời gian ở Huế? Anh vẫn gọi tôi là anh, xưng em (theo vai vế hồi còn đi tán hai nàng ở Huế). Nhà thơ nhỏ nhẹ: "H. nhớ những chiều lang thang ở chợ Đông Ba, mấy chàng lính trẻ vốn mê thơ em cứ đòi đổi cho H. chiếc mũ cối mới vì thấy chiếc mũ của H. bị rách vải bọc. Các cậu ấy nói, anh là nhà thơ nổi tiếng, sao đội mũ rách được". Tôi gặng hỏi anh còn nhớ gì nữa không? Có vẻ ngượng ngùng, nhà thơ nói rất nhớ cặp môi con gái thoảng mùi cay của ớt và vị béo ngậy của cháo lòng Mụ Đồng.
Năm 2002, tôi có dịp vô Huế nhân dịp một đám cưới. Ngôi nhà số 114 trên đường Điện Biên Phủ đã di dời lui phía trong, sát chân đồi Từ Hiếu. Người xưa của tôi giờ đã ba con, nhưng nhan sắc còn rất mặn mà. Chúng tôi đi bộ lên đồi Từ Hiếu, nương theo bóng thông reo tìm lại kỷ niệm ngày xưa. Và tất nhiên chúng tôi ghé quán cháo lòng Mụ Đồng. Từ bữa mới vô, tôi đã có ý hỏi thăm xem quán còn không? Quán Mụ Đồng giờ khang trang, rộng rãi hơn nhiều. Ông chủ nhà đã mất, mụ Đồng giờ tra (già) lắm rồi, chỉ ngồi một chỗ trong nhà, nhìn ra ngoài xem con gái và các cháu bán cháo. Tuy các con đã rành việc, mà sáng nào mụ Đồng cũng nhắc thằng cháu trai dậy sớm tới lò heo mua nội tạng cho tươi, múc đủ nước luộc thịt heo về nấu nước dùng. Nhắc con dâu nhớ vo rửa gạo khô cho thiệt sạch.
|
Bình luận (0)