Chào xe buýt 5 sao

03/05/2016 07:51 GMT+7

Giao thông đường bộ ở TP.HCM và thủ đô Hà Nội vừa xuất hiện thêm một loại phương tiện giao thông công cộng được gọi bằng cái tên rất “đẳng cấp”: xe buýt 5 sao - từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vào trung tâm thành phố.

Sở dĩ gọi xe buýt 5 sao vì trước hết, đó là xe mới toanh, nội thất sang trọng, hiện đại, sơn màu bắt mắt (xe màu vàng của TP.HCM và màu cam của Hà Nội). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, yếu tố 5 sao còn thể hiện bởi thời gian di chuyển đúng giờ, chạy đúng tuyến, trong xe có gắn camera an ninh, máy điều hòa nhiệt độ cùng cung cách phục vụ văn minh từ người bán vé đến nhân viên phục vụ (biết giao tiếp bằng tiếng Anh) và cả tài xế.
Và còn điều thú vị khác: tuy xe 5 sao nhưng giá vé chỉ…1 sao, đi suốt chặng ở TP.HCM là 20.000 đồng và 30.000 đồng ở Hà Nội mà cả hai đều không trợ giá.
Nếu đã có dịp đi xe buýt truyền thống “không sao” như xưa nay ở Sài Gòn hoặc Hà Nội, hành khách sẽ có cảm giác rất “đã” khi lên xe buýt 5 sao. Thậm chí vào những lúc cao điểm, do số lượng ghế có hạn, bạn phải đứng đi chăng nữa thì cái sự đứng ấy cũng khá dễ chịu, nhất là đối với du khách nước ngoài.
Ở những nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản hoặc Pháp, khi đi xe buýt hoặc tàu điện nội ô, đại đa số hành khách đều đứng, số ghế ít ỏi chỉ dành ưu tiên cho người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai...
Vui mừng với xe buýt 5 sao bao nhiêu, lại thấy nản lòng với cảnh di chuyển “ngàn sao” của bà con mình bấy nhiêu. Ý tôi muốn nói đến người dân xứ mình di chuyển bằng xe máy bị kẹt đường kẹt sá khi đổ về những thành phố lớn, khuya lắc khuya lơ mới về được đến nhà, lúc trăng sao lung linh đầy bầu trời đêm.
Như một thông lệ, cứ vào những dịp lễ/tết, cái điệp khúc “hành xác” di chuyển ra/vào những thành phố lại tái diễn. Điều đó khiến cho chuyến đi nghỉ thay vì thư giãn, sảng khoái thì lại biến thành ức chế, mệt mỏi, bực bội. Có thể chúng ta đã sai lầm khi chú trọng cho phát triển phương tiện di chuyển bằng xe máy cá nhân suốt mấy chục năm qua, để rồi chứng kiến hậu quả của nó để lại, diễn ra hằng ngày.
Sự thiệt hại về nhiều mặt do kẹt xe gây ra chắc chúng ta đều biết. Còn điều này nữa, không nước nào trên thế giới lại có số lượng xe máy cùng lúc lưu thông trên đường nhiều như ở VN. Và cũng chẳng nơi đâu trên hành tinh này có số lượng tai nạn giao thông đường bộ nhiều như ở xứ ta. Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để giải quyết sự tính toán sai lầm ấy. Nhưng bằng cách nào?
Xin lấy Nhật Bản làm ví dụ. Vào thập niên 1960, tuy xuất khẩu xe gắn máy (Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki) ào ạt vào VN nhưng chính phủ Nhật vẫn ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích dân chúng sử dụng nó, trong đó đặc biệt chú trọng đến tàu cao tốc. Xe máy ở Nhật qua mọi thời hầu hết đều dùng vào việc chở hàng hóa nhỏ gọn trong cự ly ngắn ở nội thị, chứ không được phép tràn ngập trên các quốc lộ như kiểu VN.
Nếu bạn đã từng đi tàu cao tốc ở Nhật Bản hoặc châu Âu thì mới thấy họ đã giải quyết một cách xuất sắc bài toán kẹt xe trên đường bộ như thế nào. Với vận tốc trung bình 300 km/giờ, nếu có tàu cao tốc như Nhật Bản, du khách Sài Gòn đi tắm biển Nha Trang chỉ mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ là đến nơi, ra Vũng Tàu còn nhanh hơn: dưới 30 phút. Người Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch cũng chỉ mất hơn 2 tiếng rưỡi một chút, rất thuận tiện.
Những thông số vừa nêu thoạt nghe quá dễ, nhưng để thực hiện được thì không dễ như sự ra đời của các tuyến xe buýt 5 sao, vì nó tốn kém hơn gấp bội phần. Không cần bàn cãi gì nữa, đầu tư cho mạng lưới giao thông công cộng là yếu tố sống còn của sự phát triển đất nước cho dù đó là bài toán quá khó trong bối cảnh còn hỗn độn như hiện nay. Nhưng khó mấy cũng phải giải quyết và làm ngay từ bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.