Chắp cánh văn học thiếu nhi

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/06/2023 06:50 GMT+7

Tổ chức các giải thưởng hay CLB cùng đọc sách… là những cách để chắp cánh cho văn học thiếu nhi.

Giải thưởng nối giải thưởng

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, vẫn nhớ những cuộc vận động sáng tác liên tiếp của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi VN - Đan Mạch giai đoạn 2005 - 2015. Từ dự án, nhiều tác giả trẻ được ghi nhận, ngày càng ghi dấu ấn trong văn học thiếu nhi như Lục Mạnh Cường, Nguyễn Thị Kim Hòa, Ngọc Linh, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Hoài Nam... Giờ đây, NXB Kim Đồng lại có Giải thưởng Văn học Kim Đồng. "Đã gần 10 năm kể từ cuộc vận động sáng tác năm 2015. Đây là khoảng thời gian đủ để một thế hệ tác giả mới có thể xuất hiện. Vì vậy, Giải thưởng Văn học Kim Đồng ra đời vào thời điểm này là một sự cần thiết, và cũng là một lời khẳng định nỗ lực của Nhà xuất bản Kim Đồng trong việc tìm kiếm các tác phẩm, tác giả mới", bà Liên cho hay.

Chắp cánh văn học thiếu nhi
 - Ảnh 1.

Hoạt động đọc sách ở CLB Đọc sách cùng con

CLB Đọc sách cùng con

Cũng theo bà Quỳnh Liên, Ban tổ chức mong Giải thưởng Văn học Kim Đồng sẽ đi vào đời sống văn học thông qua những tác phẩm chất lượng dành cho bạn đọc yêu văn thơ và nhất là cổ vũ các tác giả sáng tác cho thiếu nhi.

Ngay sau khi NXB Kim Đồng công bố phát động giải thưởng và Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025, giải thưởng Dế mèn của Báo Thể thao Văn hóa cũng công bố kết quả. Ban tổ chức cho biết năm nay giải Dế mèn đã phát hiện và vinh danh 2 tác giả nhỏ tuổi với những tác phẩm được đánh giá cao, những phẩm chất sáng tạo chuyên nghiệp sớm được bộc lộ.

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, thành viên giám khảo cuộc thi của NXB Kim Đồng, cho biết bà rất vui vì các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi được tổ chức nối nhau như vậy. "Ở góc độ nào đấy tôi nghĩ điều đó thúc đẩy văn học dành cho thiếu nhi", bà nói và lý giải: "Người viết cho thiếu nhi trước hết không vì giải thưởng. Nhưng khi có giải thưởng nghĩa là có hội đồng đọc thì họ hiểu công việc của họ được để ý đến. Sự để ý đấy làm người ta cảm thấy hào hứng, muốn làm việc hơn. Tất nhiên chỉ là một phần thôi. Nó như một cái gì đó kết nối các tác giả với nhau, tạo thành mạng lưới, họ biết đến nhau và giao lưu với nhau về tinh thần".

Chắp cánh văn học thiếu nhi
 - Ảnh 2.

Một trang thơ thiếu nhi

NVCC

Sự mầu nhiệm của nhóm đọc văn học thiếu nhi

TS Nguyễn Thụy Anh và NXB Kim Đồng có một công việc giống nhau, đó là tổ chức các nhóm đọc sách thiếu nhi. Trong các nhóm này, các em cùng nhau đọc sách, trao đổi thông tin sách mới, cùng bàn luận (thảo luận hoặc viết cảm nhận) với nhau. Theo TS Thụy Anh, điều này rất cần để văn học thiếu nhi phát triển. "Rất cần thêm nữa các cộng đồng đọc vì đó chính là nơi mà tác phẩm được sống. Và phải đọc văn học thiếu nhi để hình thành người đọc văn học người lớn", TS Thụy Anh nói.

Chiều 31.5, giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần 4 được công bố tại Hà Nội. Theo đó, giải thưởng lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Trần Đức Tiến vì những cống hiến xuất sắc cho thiếu nhi trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Bốn giải đồng hạng tên Khát vọng Dế Mèn được trao cho: Chùm tranh của Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn); Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng); Ở một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo truyện dài của Mộc An); Vua ngan xóm hồ (bản thảo truyện dài của nhà văn Uông Triều).

Có 2 tặng thưởng của hội đồng giám khảo được trao cho: Nghé ọ Hai Xoáy (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books); Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi)

Hiện tại, theo bà Thụy Anh, người đọc văn học thiếu nhi cũng đọc rất đa dạng, người viết cũng đa dạng. "Mỗi người cũng có khả năng phát triển tạng riêng của mình, đáp ứng nhu cầu đa dạng. Ở câu lạc bộ của tôi nhiều em thích tản văn. Lúc đầu các em cũng không để ý đến tản văn lắm đâu, nhưng rồi có các thời gian trống, chỉ 5 - 7 phút thì đọc một đoạn tản văn Thạch Lam. Các em ấy cảm thấy đấy là thứ mình có thể viết được, kích thích các em ghi lại cảm xúc của mình trước cuộc sống. Có bạn lại thích phiêu lưu, bạn thích tâm lý. Nhu cầu của trẻ mở ra nhiều, vì có nhiều va chạm với thế giới", bà Anh nói.

Hơn 16.000 tựa sách tại Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 4

Hội sách thiếu nhi TP.HCM là hoạt động thường niên do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức trong mỗi dịp hè. Năm nay, hội sách do Sở TT-TT phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM và các sở, ban, ngành cùng hơn 20 đơn vị là các nhà xuất bản, phát hành trên địa bàn thành phố tổ chức, với hơn 16.000 tựa sách dành cho thiếu nhi.

Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 4 diễn ra từ ngày 1 - 7.6 tại Đường sách TP.HCM và một phần vỉa hè Công xã Paris, với các hoạt động nổi bật: Chương trình công bố Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM lần 1; diễn đàn Giúp trẻ hình thành tư duy chủ động khi sử dụng công nghệ trong thời đại số; các gian hàng triển lãm và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích về lịch sử, văn hóa, khoa học, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, nghề nghiệp mơ ước của trẻ…; những bài thi đạt kết quả cao của hội thi Lớn lên cùng sách lần 8 và Văn hay chữ tốt lần 23 năm học 2022-2023…; giao lưu tác giả, giới thiệu sách nhằm tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong thanh, thiếu nhi; chiếu phim, kịch truyền thanh (chuyển thể từ tác phẩm văn học); giao lưu âm nhạc, giới thiệu các ca khúc nhạc phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học thiếu nhi…

Thiên Anh

Hiện tại văn học thiếu nhi nước ngoài cũng được dịch nhiều, trong đó có nhiều tác phẩm bán tốt như Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Tottochan - cô bé bên cửa sổ… "Nhiều người sợ văn học nước ngoài sẽ lấn át văn học thiếu nhi trong nước, nhưng tôi không nghĩ thế. Đọc trong mối tương quan như thế sẽ có sự kích thích lẫn nhau, các nhà văn cũng suy nghĩ về cách viết hơn, chính họ cũng đọc được nhiều hơn. Trong 10 năm trở lại đây có biến chuyển. Cách viết, câu chuyện cũng phong phú, hấp dẫn hơn rất nhiều. Các tác giả cũng có nhiều thay đổi", TS Nguyễn Thụy Anh nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.