Vụ việc chặt cây đa hàng trăm năm ở đình Chèm (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cuối cùng cũng đã rõ đen trắng. Chẳng có cây đa cổ thụ nào bị chặt phá ở đây cả. Cây đa vừa gây xôn xao, theo văn bản báo cáo của quận này, chỉ mới được trồng từ khoảng năm 1998 để tạo bóng mát.
“Đây không phải là cây cổ thụ hay cây di sản, không có trong hồ sơ xếp dạng di tích (nằm trong khu vực 2). Chủng loại cây đa là loại đa đỏ và không phù hợp cây đô thị”, báo cáo do bà Lê Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND quận, ký nêu rõ.
Đình Chèm năm 1930 trong tư liệu thời Pháp thuộc, không có cây đa ở cạnh nghi môn |
tư liệu |
Cũng theo kết quả kiểm tra, tốc độ phát triển của cây rất nhanh, tán dày nặng, rễ to ăn nổi ra diện tích xung quanh. Cây lại được trồng chênh vênh trên thế đất cao, át mép sông Hồng, gió thổi mạnh. Năm 2021, trong mùa mưa bão, cây gãy 1/3, làm gãy một phần của một trong 4 cột đồng trụ. Hiện cây nghiêng 25 độ về phía nghi môn. Rễ cây ăn sâu vào nền gạch gây nghiêng nứt sân và cột đồng trụ. Cây cũng chặn một phần cống thoát nước của đình ra phía sông Hồng gây ngập úng trong nội tự.
Các cụ cao tuổi trong Ban Khánh tiết đình Chèm đã đứng ra nhận trách nhiệm. Họ đã chặt hạ cây khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết, xác nhận họ quá lo lắng trước mùa mưa bão 2022 nên chặt cây khi chưa đủ quy trình thủ tục. Vụ việc cũng khép lại về mặt hành chính tại đó.
Vấn đề là, tại sao các cụ trong Ban Khánh tiết lại bị “đẩy” đến trạng thái vì quá lo mà làm sai? Tháng 6.2021, Ban Khánh tiết đã họp nhất trí về việc hạ cây đa để đảm bảo an toàn cho cả di tích lẫn người dân. Tờ trình được làm để gửi lên quản lý nhà nước ở địa phương sau đó. Văn bản của bà Hương có đoạn cho biết: “UBND quận cũng đã tiếp nhận thông tin và đề nghị UBND phường có báo cáo đánh giá, đồng thời thực hiện quy trình xin ý kiến Sở VH-TT”.
Theo phân cấp, quận hoàn toàn có thể quyết định việc cho phép hay không cho phép chặt cây. Họ cũng có bộ máy có thể thẩm định việc này, bên cạnh phòng văn hóa còn có cả phòng quản lý việc môi trường đô thị. Việc chặt cây được đánh giá là giải pháp phù hợp để bảo vệ di tích và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, nguồn tin từ ngành văn hóa cho biết đã không có một văn bản trả lời nào cho Ban Khánh tiết. Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy. Nửa năm trôi đi mà không có một quyết định nào trong khi mùa mưa bão đến gần. “Tôi không hiểu tại sao địa phương không trả lời các cụ sớm. Buồn nhất là tư duy coi văn hóa ít quan trọng hơn các ngành khác”, nguồn tin cho biết, và đây cũng là điều khiến dư luận bức xúc.
Bình luận (0)