Hẻm nhỏ đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, là nét đặc trưng trong cấu trúc đô thị Việt Nam. Ở bài viết Trải nghiệm 'chặt hẻm' né kẹt xe giờ cao điểm ở TP.HCM và những điều bất ngờ, PV Thanh Niên nhận thấy ngoài sự tiện lợi, "chặt hẻm" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.
"Chặt hẻm" rất dễ va chạm gây tai nạn
Hệ thống hẻm dày đặc và thông nhau từ đường này sang đường khác thường nhỏ hẹp, nhiều chỗ chỉ vừa đủ cho một xe máy đi qua. Không có vạch phân làn, người tham gia giao thông đi ngược chiều phải chủ động nhường đường cho nhau. Theo quan sát, trong hẻm ít có các bảng chỉ dẫn hay biển báo giao thông.
Các con hẻm thường ngoằn ngoèo, quanh co và nhiều góc cua gấp khúc, hạn chế tầm nhìn. Thế nên, nếu xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào như trẻ em chạy chơi, người dân sống ở mặt tiền hẻm dắt xe, đậu xe… cũng có thể gây va chạm, tai nạn.
PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia về Xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM nhận định: "TP.HCM nổi tiếng với hệ thống hẻm nhỏ dày đặc. Nhắc đến hẻm, mọi người nghĩ đến sự chật chội, nhiều ngóc ngách nhưng lại tập trung đông dân. Ở đó, trẻ em vui chơi, chạy nhảy vô tư trong hẻm rất nhiều".
Sống ở Q.Bình Thạnh, gần khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (2 con đường quanh năm xảy ra tình trạng kẹt xe giờ cao điểm) PGS Vỹ cho biết, xu hướng tận dụng hẻm nhỏ để di chuyển trở nên gần như chính thức. "Cứ buổi sáng hay chiều đi làm về, người dân sống ở đây đã xác định trong đầu sẽ đi vào con hẻm nào", chuyên gia nói.
Tại con hẻm gần nhà, PGS Vỹ cho biết trước đây chỉ thấy xe máy, xe đạp và người đi bộ qua lại nhưng giờ đã xuất hiện thêm xe hơi. Hẻm được xem là rộng nhưng tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. Giờ cao điểm, phương tiện thậm chí "đứng yên", khiến mọi người ai cũng thấy mệt mỏi.
Ông Nguyễn Đình Lũy (59 tuổi), tổ trưởng bảo vệ dân phố, khu phố 2, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức và cũng là một hiệp sĩ đường phố không phủ nhận tính tiện lợi và phổ biến khi người dân lựa chọn "chặt hẻm" để di chuyển. "Tôi cho rằng điều này giúp giảm áp lực cho các tuyến đường chính khá hiệu quả. Tuy nhiên, được cái này mất cái kia. Vì hẻm có nhiều khúc cua nguy hiểm nên ai cũng muốn bóp còi để ra hiệu. Người đi đường chỉ vì muốn an toàn nhưng vô tình gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư", ông Luỹ nói.
Thực tế, các hẻm nhỏ có nhiều phương tiện qua lại, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, các mảng đường bê tông nứt vỡ, hố ga sụt lún… Không gây tai nạn cũng có thể tự té ngã.
Trải nghiệm "chặt hẻm" giúp tiết kiệm thời gian nhưng cũng khiến tài xế hồi hộp. (Video đã được chỉnh tốc độ gấp đôi).
Lợi dụng hẻm nhỏ, thông nhau để cướp giật
Thường xuyên tuần tra đường phố, Đại úy Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an Q.Phú Nhuận cho biết, người đi trong hẻm thường di chuyển chậm, chỉ khoảng 10 – 20 km/h và là người sinh sống trong khu vực, quen đường sá.
Những con hẻm nhỏ, hẻm thông từ đường này sang đường kia còn là đặc điểm để các đối tượng cướp giật, vi phạm luật giao thông lợi dụng để cắt đuôi chạy trốn khi bị truy đuổi. "Không ít lần, tôi và đồng đội bó tay vì trong hẻm nhỏ khó đoán được phương hướng, chỉ cần qua một góc khuất là mất dấu, mô tô đặc chủng không thể luồn vào hẻm nhỏ. Các đối tượng phóng nhanh, vượt ẩu trong hẻm có thể gây tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến người dân", Đại úy Hùng nói.
Nhớ lại chiều ngày 19.11.2022, Đại úy Hùng kể, khi đó đang cùng đồng đội trên đường đi tuần đến đường Hoàng Văn Thụ thì nghe tiếng tri hô cướp và thấy người đàn ông đuổi theo một nam thanh niên chạy xe máy. Lập tức, 2 chiến sĩ CSGT đuổi theo. Nam thanh niên lạng lách, phóng xe vào hẻm trên đường Hồ Văn Huê, chạy vào các hẻm nhỏ thông nhau để thoát thân.
"Đến con hẻm trên đường Đỗ Tấn Phong (P.9, Q.Phú Nhuận), chúng tôi đuổi kịp, phối hợp với người dân khống chế được nam thanh niên cùng tang vật là ba lô và phương tiện gây án, đưa về trụ sở công an để điều tra, xử lý", Đại úy Hùng chia sẻ.
"Chặt hẻm" thành thói quen nên bất cứ giờ nào mọi người cũng chọn di chuyển. Vào đêm khuya, các đối tượng cướp giật cũng có thể chọn hẻm để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, hẻm sâu thường thiếu hệ thống chiếu sáng hay camera an ninh, lợi dụng đêm tối để thực hiện hành vi.
Ông Luỹ chia sẻ, việc đi tuần đêm vào sâu các con hẻm nhỏ còn hạn chế vì hệ thống quá dày đặc, chủ yếu tập trung các đường chính. Vì thế, ông Luỹ cảnh báo người dân nên cẩn trọng khi đi vào những hẻm lạ, nhỏ và ngoằn ngoèo vào ban đêm. "Manh động nhất là các đối tượng nghiện ma tuý. Khi đã nghiện ma tuý thì việc gì cũng có thể làm, dù con đường có người qua lại hay sáng đèn họ vẫn không ngại ra tay".
"Ngay tại khu nhà tôi, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng tri hô "cướp". Nhưng chỉ cần đối tượng luồn lách qua 1-2 khúc cua thì đã mất hút, không còn dấu vết để đuổi theo", PGS Vỹ cho biết thêm.
Tháng 3.2022, báo chí từng đưa tin vụ việc một nữ sinh bị 2 người đi xe máy dàn cảnh gây mất tập trung, chặn đầu xe trong hẻm 1C, đường 22, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức sau đó lợi dụng vắng người rồi lấy điện thoại đang để trong hộc xe.
Trước tình trạng kẹt xe ngày càng trở nên căng thẳng, việc đi vào hẻm nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, PGS Trương Văn Vỹ cho rằng việc đơn giản có thể làm ngay là đặt các bảng chỉ đường đi tắt, cảnh báo hẻm nhỏ, hẻm cụt... cho người dân. Nhấn mạnh ý thức tham gia giao thông trong hẻm của mỗi cá nhân như hạn chế tốc độ, đậu xe đúng nơi quy định... đảm bảo đi lại thông suốt.
Ông Lũy chia sẻ, tại khu phố nơi ông sinh sống và làm việc, bên cạnh sự "canh gác" của lực lượng cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố... vẫn đi tuần hằng đêm, chính quyền địa phương vận động người dân lắp thêm đặt camera an ninh, đèn chiếu sáng trong hẻm, đặc biệt là vào thời điểm gần tết như hiện tại.
Bình luận (0)