Chất lượng giáo sư phụ thuộc vào hội đồng ngành

10/10/2018 07:16 GMT+7

Để việc xét ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư của các hội đồng giáo sư nhiệm kỳ mới có chất lượng, vai trò của hội đồng ngành, liên ngành hết sức quan trọng.

Quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 8 vừa qua có nhiều ưu điểm so với quy định hiện hành. Rất tiếc, các tiêu chí về tiêu chuẩn thành viên các hội đồng GS nhà nước, ngành/liên ngành lại khá đơn giản và chung chung.
Cần đòi hỏi cao tính trung thực
Theo điều 19 của quy định mới, các thành viên của hội đồng ngành/liên ngành bỏ phiếu tín nhiệm đối với hồ sơ các ứng viên và cần tối thiểu 2/3 số thành viên hội đồng có ý kiến đồng ý để có thể thông qua.
Nguyên tắc dựa trên ý kiến chuyên gia để đánh giá các ứng viên là hoàn toàn đúng đắn. Như vậy vai trò của các thành viên hội đồng GS ngành/liên ngành là hết sức quan trọng. Họ vừa đóng vai trò "lập pháp" - xây dựng danh sách tạp chí, nhà xuất bản uy tín, vừa đóng vai trò "hành pháp" - xét duyệt và vừa đóng vai trò "tư pháp" - xem xét hủy bỏ công nhận chức danh, miễn nhiệm GS, PGS.
Đầu năm nay xảy ra câu chuyện, khi cho ý kiến về nghi vấn “đạo văn” đối với nhà khoa học, một GS có tiếng ở ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu "không có khái niệm tự đạo văn". Thế nhưng, tháng 7.2017, chính ĐH Quốc gia Hà Nội đã ban hành một hướng dẫn trong đó nêu định nghĩa khái niệm "tự đạo văn" (là "dùng toàn văn 30% trở lên của một bài viết/công trình khoa học của chính mình để đăng tải/công bố ở các tổ chức xuất bản khác nhau"). Điều đó khiến chúng ta nghĩ, vấn đề về tính trung thực trong khoa học của các thành viên hội đồng GS (nhất là vấn đề đạo văn) cũng cần phải được xem xét hết sức nghiêm túc, chứ không chỉ là trình độ, sự hiểu biết.
Về chuyên môn, ngoài yêu cầu “trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao”, tiêu chí định lượng duy nhất được nêu là "có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên hội đồng" - tiêu chí này thấp hơn nhiều so với tiêu chí xét PGS. Mặc dù vẫn có yêu cầu thành viên hội đồng GS nhà nước, ngành/liên ngành phải là GS nhưng chúng ta đều biết có nhiều GS không đạt chuẩn theo những tiêu chí về công bố quốc tế hiện nay, cũng như các tiêu chí về uy tín, trung thực.
Tăng cường tính độc lập
Một vấn đề khác cần được cân nhắc là tính độc lập của các thành viên hội đồng GS. Môi trường học thuật tại VN, với vô vàn mối liên hệ chồng chéo đan xen giữa danh và lợi, tạo nên sức ép lớn lên các thành viên hội đồng. Như đã phân tích ở trên, các quy chế cứng là một hình thức giúp các hội đồng loại bỏ những ứng viên không mong muốn. Tuy nhiên, thực tế những đợt phong GS, PGS trong những năm qua cho thấy một bất hợp lý lớn. Trong khi các lĩnh vực khoa học tự nhiên có thành tích công bố, xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín rất cao thì lại có số GS, PGS được phong thấp hơn nhiều với các lĩnh vực khoa học xã hội.
Để giảm bớt áp lực cho các hội đồng ngành, hội đồng GS nhà nước nên đưa ra một định mức GS, PGS cho từng ngành/nhóm ngành, dựa trên năng lực nghiên cứu của ngành/nhóm ngành đó, được đánh giá thông qua khả năng công bố quốc tế. Như thế các hội đồng ngành/liên ngành sẽ có nhiều lý do hơn để loại bỏ những ứng viên chưa thật sự tốt, đồng thời cũng tạo sức ép lên hội đồng khoa học tương ứng trong việc cố gắng có những nghiên cứu chất lượng cao hơn.
Bảng so sánh một số ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật với ngành khoa học xã hội và nhân văn, sắp xếp theo tỷ lệ công bố quốc tế có uy tín (ISI/SCOPUS) trên tỷ lệ công bố được tính điểm, đợt xét năm 2016:
Chất lượng giáo sư phụ thuộc vào hội đồng ngành
(Nguồn: Hội đồng Chức danh GS nhà nước)
Tạo cơ hội cho người trẻ xuất sắc thăng tiến nhanh
Quy định mới tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc có thể thăng tiến nhanh. Điều này chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc thu hút các nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài trở về đóng góp cho đất nước, đặc biệt khi nhà nước xây dựng những chính sách đãi ngộ tốt hơn cho GS, PGS.
Một điểm mới của quy định lần này là tính công khai của quy trình xét duyệt các ứng viên. Hồ sơ của các ứng viên (ngoại trừ các công trình khoa học có liên quan đến bí mật nhà nước) sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và trên trang thông tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước. Hội đồng GS cơ sở công bố công khai kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH, ít nhất trong 15 ngày. Hội đồng GS ngành công bố công khai kết quả xét ít nhất cũng 15 ngày trên trang thông tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước.
Các tiêu chí xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong quy định mới được xây dựng rõ ràng, khéo léo và hợp lý. Điểm đặc biệt trong bộ tiêu chí này là tính linh động (thiếu tiêu chí này thì có thể được bù bằng một số tiêu chí khác) và tính mở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.