Đó chính là vấn đề cần được lên kế hoạch chi tiết, cụ thể, đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng thương hiệu để tăng giá trị, tăng hình ảnh, truyền thống, danh tiếng của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Thực ra việc này cũng không mới mẻ hay phức tạp gì. Ngoài việc các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) trực tiếp kinh doanh lúa gạo đã góp ý thì các cường quốc về gạo hầu như có chung một công thức thành công, đó chính là đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Đầu tiên là chọn giống tốt nhất, xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc gia cho loại gạo được chọn. DN nào có đúng loại gạo đó, đạt các tiêu chuẩn đó thì cho gắn logo, gắn thương hiệu và xuất khẩu. Đó là cách mà nhiều nước đã làm và VN cũng không ngoại lệ. Quan trọng hơn là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn này để bảo đảm, tất cả gạo được đóng logo gạo Việt bán ra ngoài đều đảm bảo chất lượng như đã công bố.
Điều này nói thì nghe đơn giản nhưng thực tế, sự thiếu đồng nhất về chất lượng, dịch vụ, mẫu mã... với hàng Việt nói chung là khá phổ biến. Chúng ta thường không quá khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính nhưng lại thiếu tính ổn định về lâu dài. Kiểu những lần đầu thì đạt nhưng càng sau càng rớt chuẩn, khiến hàng hóa, DN bị mất uy tín, mất lòng tin của người tiêu dùng. Hàng xuất khẩu chỗ này, chỗ kia bị trả về; bị khiếu kiện, thậm chí phải đền bù hợp đồng là minh chứng rõ nhất.
Nhưng muốn có được chất lượng tốt, đồng đều... thì phải quay lại vấn đề tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp, bài toán mà chúng ta đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Đây là yếu tố tiên quyết nếu muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công. Còn vẫn gom chỗ này một tí, thu chỗ kia một tí thì không thể kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã tương đồng... để tính đến chuyện làm thương hiệu.
Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu đầu tiên của VN, có thâm niên đi ra thế giới lâu nhất nhưng tới bây giờ, chúng ta mới chính thức có logo, mới chính thức tạo dựng thương hiệu cho hạt gạo VN. Đã ấp ủ mấy chục năm thì hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tính toán đường đi nước bước một cách cẩn trọng và khoa học, sẽ thực sự quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu cho hạt gạo. Phải nói thẳng là, nếu không quyết tâm làm cho bằng được thì hệ quả sẽ tệ hại hơn rất nhiều. Trước chưa có thương hiệu, chỗ này chỗ kia không đạt chất lượng cũng không phải đại diện cho tất cả gạo Việt, cho thương hiệu nông sản quốc gia. Còn giờ đã gắn logo gạo Việt mà không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến cả ngành lúa gạo. Nói thế để thấy, chúng ta chỉ có một con đường, một giải pháp là xây dựng thương hiệu gạo bằng chất lượng.
Chất lượng sẽ quyết định sự thành bại của thương hiệu gạo Việt nói riêng và tất cả các sản phẩm, dịch vụ nói chung.
Bình luận (0)