Không chấp nhận chất lượng trường chuyên là giải thưởng các kỳ thi
quốc tế tập trung vào một vài trường, dư luận xã hội chờ Bộ GD-ĐT có
minh chứng về chất lượng đào tạo của tất cả học sinh (HS) các trường
chuyên trên cả nước.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về trường chuyên cho rằng chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua.
Chẳng hạn giai đoạn 2006 - 2010, trong các kỳ thi Olympic quốc tế có 23 huy chương vàng (chiếm 22,1%), 40 huy chương bạc (38,5%), 41 huy chương đồng (39,4%). Giai đoạn 2011 - 2018 có 56 huy chương vàng (31,3%), 65 huy chương bạc (36,3%), 58 huy chương đồng (32,4%); tỷ lệ HS đoạt huy chương vàng tăng 9,2%...
Sẽ xác định hướng đi cho trường chuyênTại cuộc họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về sự tồn tại của trường chuyên là cần thiết, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Hiện Bộ đã có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết đề án trong năm nay. Bộ sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của đề án, đồng thời phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo.
|
Trả lời PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cũng nhận định: “Không thể chỉ nhìn vào một số em đi thi quốc tế, vì dù chúng ta có nhiều em giỏi nhưng mỗi đội tuyển chỉ được dăm sáu em đi thi, do đó số này rất ít. Chúng ta phải nhìn vào số em còn lại, là những HS trong trường chuyên học chương trình bình thường, rồi học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường”.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng nếu chỉ tập trung luyện cho HS các kỹ thuật thi cử, hay để đạt giải cao các cuộc thi thì không phải là cái đích thật sự của giáo dục. Ông Thuyết phân tích: Chuyện tập trung đào tạo “thợ đi thi quốc tế” đã không còn hợp thời và các nước phát triển cũng không làm như vậy. Nếu vẫn giữ mô hình trường chuyên, cần thay đổi trong việc tuyển chọn HS. Tức là ngoài ưu tiên môn chuyên, cần có một tỷ trọng xứng đáng trong đánh giá khả năng ở các môn, lĩnh vực khác để đảm bảo giáo dục toàn diện.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh, thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), nhà nghiên cứu công nghệ giáo dục tại ĐH Oulu, Phần Lan, trong bài viết chia sẻ góc nhìn về đề xuất bỏ trường chuyên cũng cho rằng: “Nếu sự tồn tại của trường chuyên chỉ để chuyển đổi những năm tháng tuổi thơ của trẻ thành những tấm bằng hay giải thưởng thi đua có giá trị thành tích nhất thời cùng những áp lực nặng nề cho trẻ, thì đề xuất đóng cửa là hoàn toàn hợp lý”.
|
Theo Giáo sư Thuyết, nếu mục đích thực sự là đào tạo ra những con người có khả năng sáng tạo, phát triển được bản thân cũng như phục vụ cho đất nước thì không nên tổ chức mô hình như hiện nay. Thay vào đó, cần tạo điều kiện để các trường đều có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đồng đều. Những giáo viên được cho là giỏi, nòng cốt nên có sự điều động, luân chuyển để xây dựng mặt bằng chung các trường đều tốt.
Còn Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khẳng định sự cần thiết tồn tại hệ thống trường chuyên nhưng cho rằng thực tế nhiều trường chuyên còn chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng, gồm cả chương trình học tập, đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất để hoạt động. Do đó, theo bà Thơ, để trường chuyên được phát triển đúng nghĩa thì cần thay đổi cách phát hiện, tuyển chọn đầu vào, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực xứng tầm, phù hợp với chương trình giáo dục dành cho các HS có năng khiếu, có biểu hiện tài năng. “Hãy làm thật tốt cho những trường hợp cụ thể hơn là đầu tư dàn trải, có nhiều trường chuyên mà không thực là chuyên”, bà Thơ nói.
Bình luận (0)