Cơ quan Quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) của WHO đã thực hiện cuộc đánh giá đầu tiên về khả năng gây ung thư của chất tạo ngọt aspartame từ ngày 6-13.6 tại thành phố Lyon (Pháp), theo AFP.
IARC sau đó kết luận và xếp aspartame vào Nhóm 2B, nhóm các chất "có khả năng gây ung thư trên người". Dựa trên bằng chứng hữu hạn có được, các chuyên gia cho rằng aspartame có liên quan một dạng ung thư gan.
Ủy ban chuyên gia hỗn hợp về các chất phụ gia thực phẩm (JECFA) của WHO và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng nhóm họp từ ngày 27.6 đến ngày 6.7 tại Geneva (Thụy Sĩ) để đánh giá các nguy cơ liên quan aspartame.
Bất chấp kết luận của IARC, JECFA cho rằng không có lý do để thay đổi hạn mức aspartame mà mỗi người có thể nạp vào cơ thể mỗi ngày (ADI). ADI được thiết lập từ năm 1981, và theo đó, mỗi người có thể nạp vào cơ thể đến 40 miligram aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ung thư?
Theo tính toán, một người nặng khoảng 70 kg cần uống từ 9-14 lon nước ngọt không đường mỗi ngày mới vượt quá mức ADI nói trên, với mặc định là mỗi lon nước ngọt không đường thường chứa 200-300 mg aspartame và người đó không nạp aspartame qua các thực phẩm khác.
Giám đốc an toàn thực phẩm và dinh dưỡng Francesco Branca của WHO nói: "Vấn đề chỉ xảy ra đối với người tiêu thụ nhiều. Người lâu lâu mới uống một lon soda không nên lo lắng".
Aspartame là chất hóa học nhân tạo dùng để tạo độ ngọt trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống từ thập niên 1980, từ nước ngọt, kẹo cao su, kem, các sản phẩm từ sữa, kem đánh răng, sirô ho…
Mặc dù đưa aspartame vào nhóm các chất có khả năng gây ung thư, WHO không khuyến cáo các công ty thu hồi sản phẩm hay người tiêu dùng nên ngừng sử dụng các sản phẩm đó. "Chúng tôi chỉ khuyến cáo cho việc điều độ hơn một chút", ông Branca nói.
Khi được hỏi rằng người tiêu dùng nên làm gì sau thông báo mới của WHO, về việc chọn giữa nước ngọt thêm đường hoặc nước ngọt không đường nhưng thêm chất tạo ngọt, ông Branca nói: "Nên có lựa chọn thứ ba, đó là uống nước bình thường và hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có chất tạo ngọt. Có những lựa chọn thay thế cho nước ngọt không đường và nước có chất tạo ngọt, và đó nên là sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên".
Bình luận (0)