Chất vấn 4 bộ trưởng: Các đại biểu Quốc hội quan tâm điều gì?

Các dự án nghìn tỉ đắp chiếu, vấn đề năng lượng thay thế, chuyện cả họ làm quan 'đúng quy trình'... là các vấn đề bức xúc mà ĐBQH cho biết sẽ đặt ra cho các bộ trưởng trong các phiên chất vấn sắp tới.

Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Trong báo cáo giải trình trước QH ngày 3.11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh có nhắc tới hậu quả của các công trình, dự án nghìn tỉ đắp chiếu như xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, các dự án ethanol nhiên liệu sinh học... Bộ trưởng đã cho biết ngoài các yếu tố khách quan dẫn đến việc thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, không loại trừ việc cố ý làm trái. Tôi muốn Bộ trưởng giải thích rõ hơn mức độ rõ ràng về các dấu hiệu của việc cố ý làm trái và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc làm rõ các dấu hiệu này như thế nào? Bên cạnh đó tôi cũng muốn biết Bộ trưởng sẽ có đề xuất như thế nào với Chính phủ về việc xử lý các dự án nghìn tỉ này để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là việc quy hoạch phát triển năng lượng mới thay thế. Bên cạnh đó là vấn đề quản lý thủy điện. Hiện tượng lũ lụt ở miền Trung vừa qua, tình trạng hạn hán ở Tây Bắc đều ít nhiều có liên quan đến việc vận hành các công trình thủy điện. Đây là vấn đề bức xúc, được nhiều cử tri, người dân quan tâm, do vậy rất cần một lời giải thích rõ ràng.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong các dự án nghìn tỉ bị đắp chiếu khiến dư luận bức xúc Ảnh: PVTEX-DV.Vn
Đối với Bộ trưởng Nội vụ, hiện nay dư luận rất quan tâm đến quy trình bổ nhiệm, quản lý cán bộ bộc lộ nhiều vấn đề bức xúc. Không chỉ là câu chuyện hàng loạt cán bộ sai phạm mà nhân dân cũng như cử tri rất “dị ứng” với câu trả lời “đúng quy trình”. Những vấn đề “cả họ làm quan” hay việc bố trí cán bộ vào các vị trí lãnh đạo có nhiều điều chưa ổn thỏa, bên cạnh đó việc xem xét, đánh giá, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ thì các cơ quan luôn nói “đúng quy trình” nhưng dư luận thấy có nhiều vấn đề không minh bạch.
Đối với lĩnh vực GD-ĐT được quan tâm nhất là câu chuyện phối hợp giữa đào tạo và sử dụng. Mỗi năm có hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên, kể cả người có bằng cấp sau đại học tốt nghiệp nhưng không có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên môn là bất cập đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Đây không phải là trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, nhưng với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, QH, tôi muốn biết Bộ trưởng GD-ĐT có giải pháp gì cho vấn đề này. Bên cạnh đó là việc xem xét, đánh giá chất lượng đào tạo. Tôi muốn được Bộ trưởng nói về những quyết tâm tạo đột phá giúp phát triển trong lĩnh vực GD-ĐT.
Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Đây là kỳ chất vấn đầu tiên của QH khóa 14, các ĐB quan tâm rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, 4 nhóm nội dung mà QH đã thông qua tổng hợp ý kiến cử tri, ý kiến của các ĐB đã đáp ứng được sự quan tâm, những bức xúc trong đời sống mà người dân đang phải đối mặt, đòi hỏi các bộ trưởng phải trả lời một cách thẳng thắn.
Trong 4 nhóm vấn đề, công tác tổ chức cán bộ là một nội dung then chốt - yếu tố quyết định cho mọi vấn đề. Qua nhiều phiên thảo luận của QH, chúng ta vẫn đánh giá bộ máy còn quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đội ngũ cán bộ nhiều nhưng chưa có chất lượng cần được tinh giản, rà soát lại để bộ máy thật gọn, năng động, sáng tạo và đáp ứng được nhu cầu.
Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Điều cử tri quan tâm trong phiên chất vấn là những giải pháp mà Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ thực hiện để hiện thực hóa tinh thần Thủ tướng đã nêu, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển. Có quá nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm tới các ĐB từ vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, đặc biệt cải cách giáo dục. Bộ trưởng GD-ĐT cần trả lời được giải pháp cho các chương trình cải cách GD-ĐT, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý...
Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Vấn đề mà tôi cho rằng rất nóng rất cần được chất vấn lần này đó là câu chuyện đầu tư công. Giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương đã cho biết có 5 dự án nghìn tỉ nhưng rơi vào tình trạng đắp chiếu, không có hiệu quả, thua lỗ. Câu hỏi đặt ra là: Các dự án đó được quản lý như thế nào; Quy trình ra sao; Có được thẩm định trước hay không; Cơ quan nào đã thẩm định; Sau khi thẩm định kết luận dự án có tốt hay không? Nếu các đánh giá là tốt để có quyết định đầu tư thì tại sao lại không có hiệu quả? Trách nhiệm của các cơ quan tham gia thẩm định như thế nào? Trách nhiệm của những cơ quan liên quan đến việc đưa dự án ra đầu tư ra sao? Phải xác định rõ trách nhiệm. Nếu không, các dự án sắp tới xảy ra tình trạng đó đổ lỗi cho ai.
Một vấn đề nữa là trong các văn bản vừa qua Chính phủ đều nói về việc đổi mới đầu tư công. Thay cơ chế xin - cho bằng cơ chế sử dụng các tín hiệu của thị trường. Vậy tín hiệu thị trường là gì? Tiêu chí nào đánh giá thị trường đã chỉ báo chọn dự án này mà không phải dự án kia để các địa phương phải chỉ ra các tín hiệu và khẳng định được việc lựa chọn các dự án.
Trong tuần làm việc từ ngày 14 - 18.11, các Bộ trưởng Công thương, TN-MT, GD-ĐT và Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15 - 17.11). Sau khi các bộ trưởng trả lời, các phó thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Thủ tướng sẽ trả lời cuối cùng về những nhóm vấn đề lớn mà các ĐBQH quan tâm.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian đặt câu hỏi của các ĐBQH là 2 phút, vì vậy, các ĐB sẽ đi thẳng vào vấn đề, tập trung vào những nội dung chính. Bên cạnh đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn các ĐBQH có thể giơ biển tranh luận. Đây là hoạt động đổi mới của nhiệm kỳ QH khóa 14.
Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong lĩnh vực công thương, các ĐBQH quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, gây lãng phí, hoang hóa. Bên cạnh đó việc kiểm soát chặt chẽ bán hàng đa cấp để tránh thiệt hại cho người dân; việc quản lý, chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng... Trong lĩnh vực TN-MT, các ĐBQH quan tâm đến trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản...
Đối với lĩnh vực GD-ĐT, các ĐBQH muốn tập trung làm rõ việc thực hiện đổi mới toàn GD-ĐT và chương trình sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH trong thời gian qua; việc thực hiện Nghị quyết 37/2004/QH11 của QH về tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực... Trong lĩnh vực nội vụ, các ĐBQH đặt nhiều câu hỏi về việc tinh giản bộ máy biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc thực hiện Đề án vị trí việc làm, cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả, thi hành công vụ, đổi mới quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Cũng trong tuần làm việc này QH sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017 và các luật Đấu giá tài sản; Tín ngưỡng, tôn giáo. QH cũng sẽ biểu quyết thông qua dự án luật Về hội nếu như QH đồng ý tiến hành biểu quyết. Chương trình QH cũng sẽ thảo luận và nghe bộ trưởng các bộ giải trình về dự án luật Thủy lợi, luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư, luật Du lịch (sửa đổi), luật Đường sắt (sửa đổi).
QH cũng sẽ thảo luận và nghe báo cáo giải trình về dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN và nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.