Chất vấn Thống đốc ngân hàng về “lợi ích nhóm”

11/11/2012 03:10 GMT+7

Là thành viên Chính phủ nhận được nhiều nhất câu hỏi chất vấn bằng văn bản tại kỳ họp này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ phải giải trình vấn đề xử lý nợ xấu, việc doanh nghiệp (DN) khó khăn trong tiếp cận vốn vay, lý do độc quyền vàng miếng SJC..., cho đến trách nhiệm cá nhân người đứng đầu khi có nhiều tội phạm hình sự trong lĩnh vực ngân hàng (NH).

Trong số các câu hỏi, có ĐB chất vấn Thống đốc về phương án xử lý khoản tiền trên 90.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước nợ DN; trách nhiệm của NHNN trong việc ban hành văn bản quản lý để hạn chế nợ xấu của NH thương mại; việc bảo lãnh Chính phủ về nợ xấu; vấn đề DN vay vốn NH có tài sản thế chấp nhưng không xử lý được tài sản đó, phát sinh nợ xấu mới. Một số ĐB khác yêu cầu cho biết căn cứ để phân loại và "bơm" tiền cho các NH thời gian qua; thực trạng cho vay chéo trong hệ thống NH; vì sao tỷ lệ huy động tiền gửi tăng, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay thấp?

 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

Đáng chú ý, ĐBQH chất vấn Thống đốc “quyết định lấy thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu độc quyền" có trái với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường hay không; nguyên nhân giá vàng miếng SJC cao hơn vàng miếng thương hiệu khác và giá vàng theo thương hiệu mà không theo chất lượng gây khó khăn cho người dân khi mua bán và các giải pháp ổn định thị trường vàng trong nước; ý định đánh thuế tài sản cá nhân của dân được cất giữ bằng vàng...

Tội phạm NH tăng, trách nhiệm Thống đốc đến đâu?

Một số ĐBQH còn chất vấn Thống đốc về tình trạng thâu tóm trong hệ thống NH gia tăng: “Tội phạm hình sự trong lĩnh vực NH, gồm cán bộ NH và ngoài NH liên quan tới vốn tín dụng, việc thâu tóm trong hệ thống NH trong thời gian qua tăng đáng kể thì trách nhiệm và các giải pháp của Thống đốc trong thời gian tới thế nào?”.

Cũng đòi hỏi làm rõ trách nhiệm của Thống đốc “trong quản lý nhà nước để xảy ra tham nhũng trong hệ thống NH, trong việc thâu tóm đã xảy ra”, có ĐB đề nghị Thống đốc báo cáo thêm về tình hình phòng chống tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, có ĐB chất vấn Thống đốc về “kết quả thanh tra chuyên ngành ở NHNN về chấp hành pháp luật, về tình hình vi phạm pháp luật ngân hàng"; “lợi ích nhóm chi phối các chủ trương, chính sách, biện pháp của NHNN như thế nào”. Có ĐB đề nghị Thống đốc giải trình về việc trong khi nợ xấu nhiều, nhưng lương của ngành NH, nhất là lương, thu nhập của lãnh đạo từ trưởng phòng trở lên quá cao (giám đốc ngân hàng chi nhánh ở tỉnh có thể gần 70 triệu đồng/tháng).

Các câu hỏi còn lại tập trung vào biện pháp giải quyết vốn vay, hỗ trợ lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với DN; vấn đề kiểm soát nhằm chống hiện tượng vượt trần lãi suất huy động của các NH; biện pháp xử lý tiêu cực trong ngành NH...

6 ngành đầu bảng về tỷ lệ nợ xấu

Trong văn bản trả lời chất vấn ĐB về thực trạng nợ xấu và cơ cấu nợ theo các nhóm tổ chức tín dụng, theo ngành kinh tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết tính đến 30.6, nợ xấu theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 119.139 tỉ đồng, chiếm 4,49% tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả thanh tra, giám sát của NHNN, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6.2012 chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ tín dụng.

Trong số đó, nợ xấu của nhóm NH thương mại nhà nước chiếm 44,26% tổng nợ xấu của toàn hệ thống; nhóm NH TMCP chiếm 35,3%; nợ xấu của nhóm NH nước ngoài, chi nhánh NH nước ngoài và NH liên doanh chiếm 5,2%; số còn lại của nhóm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng nhân dân.

Về cơ cấu nợ xấu, Thống đốc cho biết tính đến cuối tháng 6 chỉ riêng 6 ngành kinh tế số nợ xấu đã lên tới 96.000 tỉ đồng, chiếm đến 80,49% tổng số nợ xấu của toàn nền kinh tế. Đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ nợ xấu 22,5% tổng nợ xấu của toàn hệ thống; kinh doanh bất động sản và hoạt động dịch vụ chiếm 19,25%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ chiếm 18,52%; vận tải, kho bãi chiếm 11%; nợ xấu của xây dựng chiếm 9,5%.

Theo Thống đốc Bình, NHNN đang xây dựng đề án thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu một cách tập trung với quy mô lớn, trong đó tập trung xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản để trình Chính phủ, Bộ Chính trị quyết định.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.