Chất vấn trách nhiệm Bộ trưởng về 'loạn giá' xét nghiệm

11/11/2021 04:43 GMT+7

Là tư lệnh ngành đầu tiên ngồi ghế nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan trách nhiệm của Bộ trước tình trạng “loạn giá” sinh phẩm, thiết bị y tế và một số vụ án tham ô, trục lợi của cán bộ.

Mải mê chống dịch, để xảy ra “loạn giá”

Mở đầu phiên chất vấn tại Quốc hội (QH) sáng qua 10.11, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) xoáy thẳng vào vấn đề dư luận rất bức xúc vừa qua là “loạn giá” xét nghiệm Covid-19, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói rõ: Liệu có lợi ích nhóm trong nhập kit xét nghiệm hay không và trách nhiệm của bộ trưởng trong việc để giá trôi nổi như vậy?

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM

Độc Lập

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán… trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo luật Giá. Giá cả cũng khác nhau giữa các hãng, các nước sản xuất; đồng thời giá thay đổi khi cung cầu có thay đổi. “Chúng ta nhớ lại hồi đầu năm 2020, khi đó giá khẩu trang cũng tương tự như vậy, giá găng tay và giá của máy thở nhiều khi khan hiếm trên thị trường. Cho nên đẩy giá lên cao và tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua đối với những mặt hàng này trong thời điểm ban đầu”, ông Long nói.

Covid-19 sáng 11.11: Cả nước 992.735 ca nhiễm, 844.054 ca khỏi | Thêm 1 vắc xin được cấp phép
Ảnh

Thời gian qua giá xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Ông Long cũng khẳng định Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp quyết liệt để hạ giá thành xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Một số đơn vị do quá bận về công tác phòng, chống dịch cho nên đến tháng 9 khi chúng tôi yêu cầu phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ là phải thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, tức là giá đấu thầu. Đơn vị đã nhận lỗi là do mải mê phòng chống dịch quá cho nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương phải nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh những việc thu như thế”.

ĐB Phạm Văn Hòa tiếp tục “truy” và dẫn chứng vừa rồi ông đi họp QH phải xét nghiệm tại “vỉa hè” sân bay Tân Sơn Nhất 440.000 đồng/lần, cao gấp nhiều lần bên ngoài. “Mặc dù thời gian qua giá xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá. Doanh nghiệp này nhập có thể cao hơn doanh nghiệp kia nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót”, ĐB Hòa gay gắt.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Long nêu đối với tư nhân, hiện không áp dụng quản lý giá, giá do đơn vị tự chịu trách nhiệm phải niêm yết, phải công khai, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra giá đơn vị tư nhân. “Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, chúng tôi đã chính thức đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá. Qua việc thực hiện nghị định mới tới đây cố gắng hạ được giá xét nghiệm…”, ông Long hứa.

Ảnh

Gia Hân

Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long


Được Chủ tịch QH Vương Đình Huệ yêu cầu giải trình thêm, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vừa qua có nhiều sai phạm trong lĩnh vực giá, y tế, giáo dục, đất đai… Ngày 8.11, Chính phủ ban hành Nghị định 98, bắt buộc các cơ sở y tế phải chuyển từ công khai giá sang kê khai giá và truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Nếu bán giá sai giá kê khai bị xử phạt hành chính, nặng hơn sẽ thu hồi giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng thì truy tố. Trong kê khai giá yêu cầu, nếu thiết bị nhập khẩu thì công khai giá nhập khẩu hải quan; sản xuất trong nước thì kê khai giá thành sản xuất. Về tình trạng “loạn” giá kit test và một số thiết bị, Bộ Tài chính cũng dự báo trước và chỉ đạo ngành thuế, hải quan phải quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng viện trợ, tài trợ để nâng giá đưa vào chi phí sản xuất nhằm trục lợi.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: "Có sự lợi dụng dịch bệnh để tư lợi, ăn chia"

Có sự lợi dụng để dịch bệnh tư lợi, ăn chia

Nhiều ĐB chất vấn trách nhiệm của Bộ Y tế khi vừa qua nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý như Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc và nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ… Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận một số vụ việc sai phạm xảy ra là rất đáng tiếc, song đây chỉ là một vài trường hợp, không ảnh hưởng đến nỗ lực, cố gắng của ngành trong phòng, chống dịch.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) truy: “Mong Bộ trưởng nói rõ hơn việc kiểm tra, hướng dẫn, giám sát của Bộ trong việc để xảy ra các sai phạm như vậy, tránh tình trạng cán bộ y tế bị khởi tố, truy tố”.

Giá các bộ xét nghiệm Covid-19 thời gian qua đứng ở mức rất cao khiến dư luận bức xúc

Ngọc Dương

“Mặc dù các quy định về đấu thầu, các quy định cũng đã rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm liên quan đến việc đấu thầu, tham ô, tham nhũng. Những việc này thì chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý theo đúng các quy định về mặt pháp luật”, ông Long nói và cam kết Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc bộ và các địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị y tế ở trên địa bàn để ngăn ngừa, đấu tranh cũng như xử lý các trường hợp vi phạm.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: “Qua những vụ việc này, có dư luận cho rằng vi phạm là do lỗi cơ chế hoặc lỗi hệ thống, nhưng chúng tôi khẳng định không phải các lỗi này mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm”. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đối với các vi phạm hình sự vừa nêu, Bộ Công an đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc để xử lý. Thứ hai là chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý. “Có những vụ mua máy móc thiết bị nhưng thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên rồi ăn chia với nhau, trích phần trăm cho nhau. Đó là những biểu hiện của tư lợi, tham ô, tham nhũng”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.