Trong buổi chất vấn sáng 10.11, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, liệu có lợi ích nhóm trong nhập kit xét nghiệm hay không và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc để giá trôi nổi như vậy. Theo đại biểu Hòa, việc loạn giá thời gian qua là có trách nhiệm trong quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Tài chính…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại hội trường Quốc hội ngày 10.11 |
gia hân |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình: luật Quản lý giá năm 2012 quy định, đối với giá sản phẩm và dịch vụ đặc thù thì giao cơ quan quản lý ngành. Ví dụ, đất đai giao Bộ TN-MT; điện và xăng dầu giao Bộ Công thương; thiết bị, dịch vụ y tế giao Bộ Y tế… Từ đó, Chính phủ ban hành Nghị định 36 năm 2014 về quản lý thiết bị y tế, giao trách nhiệm cho Bộ Y tế.
Vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có nhiều sai pham trong lĩnh vực giá, y tế giáo dục, đất đai… Bộ Tài chính đã góp ý với Bộ Y tế để trình Chính phủ ban hành Nghị định 98 ngày 8.11 để bịt lỗ hổng này. Từ Nghị định 36 sang Nghị định 98 bắt buộc các cơ sở y tế phải chuyển từ công khai giá sang kê khai giá.
“Nghĩa là các cơ sở y tế phải kê khai giá và truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Nếu bán giá sai giá kê khai bị xử phạt hành chính, nặng hơn sẽ thu hồi giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng thì truy tố. Cái này chắc chắn bịt lỗ hổng loạn giá thiết bị y tế. Trong kê khai giá yêu cầu, nếu thiết bị nhập khẩu thì công khai giá nhập khẩu hải quan”, ông Phớc nói.
Về giá các thiết bị y tế, kit test sản xuất trong nước, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định hoàn toàn có thể ngăn chặn được tình trạng loạn giá với các quy định về bắt buộc công khai giá thành sản xuất và kê khai giá.
“Tình trạng loạn giá kit test và một số thiết bị chúng tôi cũng dự báo trước và chỉ đạo ngành thuế, hải quan phải quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng viện trợ, tài trợ để nâng giá đưa vào chi phí sản xuất nhằm trục lợi”, ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm.
Bình luận (0)