Cần thêm vắc xin chống trì trệ, né trách nhiệm

10/11/2021 05:18 GMT+7

Sáng 9.11, tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp đối với Chính phủ, Quốc hội hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19 .

Để Chính phủ liêm chính, hành động, vì dân

Cho rằng thời gian qua, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức đầy đủ tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu, đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch MTTQ VN TP.HCM, đề nghị Chính phủ có giải pháp thúc đẩy sự mạnh dạn của các bộ, ngành, đơn vị trong việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn địa phương; tránh tình trạng “khó thì về địa phương, dễ, đúng quy định thì T.Ư làm”. Bà Châu dẫn ví dụ, vừa qua, có một lô hàng 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc giúp đỡ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch tại TP.HCM, MTTQ VN TP.HCM đã gửi văn bản xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Cục Thú y. Thế nhưng, trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý thì Cục ATTP đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.

Đại biểu Hà Đức Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, phát biểu tại Quốc hội

Theo nữ ĐB TP.HCM, nếu TP gửi công văn đến Chính phủ cũng phải giao về Cục ATTP trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình tham mưu cho Chính phủ trả lời. Cách làm của Cục ATTP, theo bà Châu, đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. “Và nếu không có gì thay đổi trong đánh giá hằng năm, cuối năm Cục ATTP cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy Cục làm tròn chức trách nhiệm vụ, còn ở TP.HCM, lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?”, bà Châu nói và mong muốn một chính phủ điện tử, chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành, cán bộ để “không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy”.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội (QH), đánh giá những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong công tác điều hành, quản lý. Theo ĐB Hoa, nguyên nhân có thể do khâu dự báo thiếu chính xác về thông tin, dữ liệu hoặc sự chủ quan trong đánh giá tình hình; cũng có thể do thái độ làm việc chưa công tâm, mượn quy trình để né tránh trách nhiệm như ĐB Châu nêu. Song, theo ĐB Hoa là vai trò tổng chỉ huy của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. “Đề nghị Chính phủ phân tích kỹ những bài học về công tác quản lý, điều hành. Thiết nghĩ cùng với vắc xin phòng Covid-19, Chính phủ cần có thêm một loại vắc xin khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm, cục bộ. Đó chính là cách để chúng ta tích cực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ vì dân”, ĐB Hoa nhấn mạnh.

Trong phần giải trình trước QH, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nêu 3 bài học sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Trong đó, ông Dũng thừa nhận năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương, làm đứt gãy lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội

Gia Hân

Tiền ở đâu để kích cầu, phục hồi sau dịch ?

Thảo luận về biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, các ĐB đề xuất QH và Chính phủ nên cân nhắc tăng bội chi và trần nợ công. ĐB Hà Đức Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, cho rằng thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn; góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững. ĐB Minh cũng cho rằng cần tăng trần nợ công lên 51% GDP để có thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ.

Theo ĐB Minh, bội chi năm 2021 gần 344.000 tỉ đồng, bằng 4% GDP. Dự kiến phương án đang trình ra QH năm 2022 là gần 373.000 tỉ đồng cũng bằng khoảng 4% GDP. Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526.000 tỉ đồng. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với T.Ư giao. Như vậy, dư địa bội chi theo luật còn khoảng ít nhất 153.000 tỉ đồng.

Tranh luận với đề xuất này, ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng tăng trần nợ công lên 51% GDP là mức tăng sẽ khiến dư nợ công đến 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia. Ông Toàn đồng ý cần có chương trình phục hồi kinh tế, song cho rằng cần tính toán dư địa tài chính, tiền tệ một cách có cân nhắc để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế về sau.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dư địa nợ công không còn nhiều, bởi trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỉ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến vay 3,068 triệu tỉ đồng. Nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với 2020, có nghĩa là nợ công đến 2025 theo đánh giá chiếm khoảng 46,5% GDP nhưng là GDP mới. Nếu tính theo GDP cũ là 57,9%, tức đã vượt ngưỡng 55% GDP. Còn nợ Chính phủ, theo ông Phớc, giai đoạn 2021 - 2025 là 41,8% GDP nhưng nếu chúng ta đánh giá theo GDP cũ là 53,1% GDP, có nghĩa cũng vượt ngưỡng 45% GDP. “Tuy nhiên, chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó mình quay trở lại thu ngân sách và tăng bội chi trong năm nay và 2020. Sau đó, giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy trong cả giai đoạn, chúng ta vẫn bảo đảm mục tiêu đặt ra”, ông Phước nói và cho biết, Bộ đang tham mưu Chính phủ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng, 2 năm khoảng 40.000 tỉ đồng.

Cần đánh giá hiệu quả dạy và học trực tuyến

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB băn khoăn, lo ngại về chất lượng của việc dạy và học trực tuyến được áp dụng trong điều kiện phòng, chống dịch thời gian qua. Theo ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), chất lượng việc dạy và học trực tuyến chưa được đảm bảo, do rất nhiều yếu tố khách quan như: chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy, cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi, gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thực tế.

“Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc lâu với thiết bị điện tử lâu không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến; giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn, khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh học sinh, dư luận và cả mạng xã hội”, ĐB Hà nêu.

Cùng mối quan tâm này, ĐB Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho biết thực tiễn ở địa phương có rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn và không thể trang trải số tiền hơn

3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hoặc tầm 10 triệu đồng cho một máy tính. ĐB cũng dẫn các khảo sát xã hội cho thấy đối với người lao động vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì chi phí cho con cái học trực tuyến là chi phí phát sinh lớn nhất của họ. “Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới”, ĐB Phước đề nghị.

Lê Hiệp - Anh Vũ - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.