Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có vắc xin chống trì trệ, né trách nhiệm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2021 19:35 GMT+7

Bệnh sợ trách nhiệm , trì trệ, giữ mình an toàn trong cán bộ các cấp được nhiều đại biểu phản ánh tại Quốc hội, và đề xuất Chính phủ cần có thêm một loại vắc xin chống căn bệnh này bên cạnh vắc xin Covid-19 .

Một dịch bệnh khác

Đại biểu Hoàng Công Anh phát biểu tại Quốc hội về căn bệnh sợ trách nhiệm

gia hân

Nêu ý kiến thảo luận tại Quốc hội, chiều 9.11, đại biểu Hoàng Công Anh, Phó trưởng ban Dân nguyện, cho biết ông muốn tham gia ý kiến việc phòng chống dịch nhưng là một dịch bệnh khác, đã xuất hiện từ lâu, và hiện vẫn đang “âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp”, đang trở thành nguy cơ cho sự phát triển đất nước, là căn bệnh sợ trách nhiệm.

Ông Hoàng Công Anh đặt vấn đề: Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đã có căn cứ, quy định pháp luật nhưng lại luôn sợ, không dám quyết chỉ vì mục đích an toàn cho mình.

“Nỗi lo bị sợ kỷ luật, sợ xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành một nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức”, Phó trưởng ban Dân nguyện nói, và dẫn chứng thực tế nhiều địa phương ngại mua sắm thiết bị, vật tư chống dịch vì sợ bị kỷ luật, khởi tố hình sự; hay việc nhiều địa phương không thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ vì sợ để dịch bùng thì bị phê bình, kỷ luật.

Phó trưởng ban Dân nguyện lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lo lắng, né trách, sợ không dám quyết, là do sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Công Anh dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan tới 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư của bộ, ngành.

“Đây là số liệu rất lớn”, đại biểu này nêu, và cho rằng hệ quả của sự bất cập nêu sẽ hạn chế năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ, công chức, cản trở sự phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.

Để sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22.9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Anh, để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống, cần phải sớm thể chế hóa các chủ trương này vào pháp luật, nếu không sớm thể chế hóa quy định này về mặt pháp lý, sẽ đi đến việc xử lý tùy tiện.

“Luật hóa, quy định cụ thể quy định này sẽ không cho phép bất cứ ai được đưa ý kiến chủ quan và làm thay đổi sự thật, sự công bằng của pháp lý. Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không sớm luật hóa sẽ vô tình mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm sát”, Phó trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Cần vắc xin chống trì trệ

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

gia hân

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, cho rằng sự thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, những khâu còn yếu kém để khắc phục mà Quốc hội đã phân tích trong kỳ họp này có ý nghĩa rất lớn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bà Hoa cho biết cử tri Đồng Tháp nơi bà ứng cử đã chất vấn các ứng viên đại biểu Quốc hội rằng tại sao Chính phủ không quyết liệt phòng, chống dịch trước dịp lễ 30.4, mùng 1.5? Rồi gần đây là câu chuyện một lực lượng lớn những người dân từ các tỉnh thành phía nam tự phát dùng phương tiện xe cá nhân, thậm chí đi bộ để về quê, trong khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng “đắp chiếu”, cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước.

“Giá như chúng ta nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người dân, nguyện vọng của người dân sớm hơn và giá như sự chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các địa phương nơi người dân ra đi và nơi người dân trở về được chặt chẽ hơn thì chắc chắn việc tổ chức đưa đón dân trở về được an toàn và chủ động hơn, theo đó việc kiểm soát dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn”, bà Hoa nói.

Theo nữ đại biểu Đồng Tháp, những hạn chế, bất cập trên cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong công tác điều hành, quản lý, mà nguyên nhân có thể do khâu dự báo thiếu chính xác về thông tin, dữ liệu hoặc sự chủ quan trong đánh giá tình hình. Cũng có thể là do thái độ làm việc chưa công tâm, mượn quy trình để né tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trên tất cả, vẫn là vai trò tổng chỉ huy của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ những bài học về công tác điều hành, quản lý. Tôi thiết nghĩ, cùng với vắc xin phòng, chống Covid-19, Chính phủ cần có thêm một loại vắc xin khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm cục bộ và đó chính là cách để chúng ta thiết thực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ vì dân”, bà Hoa nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.