ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?

13/02/2023 13:44 GMT+7

Công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sốt trên toàn cầu. Với những tính năng vượt trội, ChatGPT được đánh giá sẽ có sự tác động lớn, thậm chí đe dọa thay thế nhân lực ở nhiều ngành nghề. Vậy với các lĩnh vực sáng tạo như làm phim, sáng tác nhạc thì sao?

Kể từ khi được phát hành vào tháng 11.2022, công cụ ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) đã thu hút hàng triệu người dùng. Ứng dụng AI thế hệ mới này được ra đời để cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google hay các trợ lý ảo như Alexa và Siri. Chỉ cần nhận được vài dòng lệnh từ người dùng, ChatGPT có thể nhanh chóng tự động viết thư xin việc, bài luận, sách cho trẻ em, làm thơ, lập trình... Độ thông minh và tinh vi của chatbot này khiến người ta bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh ngành công nghiệp âm nhạc và cả phim ảnh rồi cũng sẽ dần được "tự động hóa", "AI hóa".

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 1.

ChatGPT liệu có "cướp" đi kế sinh nhai của những con người đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật?

Tim Robberts

Ứng dụng ChatGPT vào sáng tác nhạc

Sử dụng ChatGPT, người dùng có thể tạo lời bài hát hoặc thậm chí hoàn thành một bài hát đang viết nửa chừng bằng cách nhập liệu, đưa chủ đề và các từ khóa liên quan mong muốn cho ứng dụng. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu ChatGPT: "Hãy viết đoạn điệp khúc về món trứng rán theo phong cách của The Beatles".

Chuyên gia Việt Nam không sợ ChatGPT cướp việc: ‘AI chưa thông minh đến vậy’

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 2.

ChatGPT có thể hỗ trợ các nhạc sĩ tìm lời bài hát, gợi ý các hợp âm, viết bình luận tác phẩm

Shutterstock

Ngoài ra, người dùng cũng có thể yêu cầu ứng dụng tạo giúp mình giai điệu, hợp âm hoặc một nhạc phẩm trọn vẹn với điều kiện phải cung cấp thật chi tiết những thông tin như phong cách, dòng nhạc, nhạc cụ, tiết tấu… như "hãy viết một đoạn nhạc theo âm giai ngũ cung, nhịp 4/4, sử dụng đàn bầu cho lời bài hát là bài thơ Bánh trôi nước hoặc "hãy viết 12 khuôn nhạc Blue ở tông Mi thứ". ChatGPT còn một ứng dụng nữa khá thú vị trong âm nhạc đó là hỗ trợ phân tích, đánh giá, so sánh âm nhạc, chẳng hạn như "hãy viết review cho ca khúc Bohemian Rhapsody của nhóm Queen".

Nhìn chung, ChatGPT có thể làm được khá nhiều những công việc cơ bản trong quá trình sáng tác nhạc. Tuy nhiên, kết quả mà chatbot này đưa ra chưa hẳn đã chất lượng, đôi khi còn khá ngớ ngẩn. Vì vậy, các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới không cảm thấy quan ngại về chuyện họ sẽ bị thay thế bởi AI một ngày nào đó. Họ cho rằng các công cụ AI như ChatGPT chỉ đóng vai trò gợi mở, hỗ trợ và giúp các nhà sáng tạo "đỡ một phần" trong quá trình làm việc.

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 3.

Một người dùng thử yêu cầu ChatGPT viết lời một bài hát có nội dung nói về xe Cadilac nhưng theo ngôn ngữ thời trung cổ

REDDIT

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 4.

ChatGPT "sáng tác" bài hát theo yêu cầu "âm giai ngũ cung, nhịp 4/4, lời là bài thơ The road not taken của Robert Frost"

Reddit

Những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc đánh giá có lẽ còn rất lâu trí tuệ nhân tạo mới có thể tự tạo nên được một bài hát có khả năng "chạm" đến cảm xúc của con người. Oleg Stavitsky, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của một ứng dụng kiến tạo âm thanh - Endel nhận xét: "Sẽ còn rất lâu để mà trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác ra một bài hát đủ hay, đủ sức hút để mà công chúng sẽ chọn nghe nó thay vì nghe nhạc của Drake". Ông cũng đưa ra dẫn chứng về Daddy's car - một bài hát do AI sáng tác vào năm 2016, bắt chước phong cách của The Beatles nhưng chẳng hơn gì một mớ hỗn độn.

Phần lớn các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cảm thấy rằng sự ra đời của AI sẽ không gây phương hại gì cho người trong giới mà thậm chí còn thúc đẩy một kỷ nguyên mới của sự sáng tạo. Trong vài năm qua, một số nghệ sĩ nổi tiếng như Arca, Holly Herndon và Toro y Moi đã làm việc với AI để phát triển phong cách âm nhạc của họ theo những hướng mới mẻ bất ngờ. Trong khi đó, một loạt các nhạc sĩ và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang phát triển các công cụ AI để chúng trở nên dễ tiếp cận hơn với các nghệ sĩ ở khắp mọi nơi. Vấn đề khó xử duy nhất nằm ở đạo đức, tác quyền. Bởi sẽ rất khó để đánh giá một sáng tác được tạo ra bởi AI có "nguyên bản" hay không, hay nó chỉ là hành động sao chép từ một nghệ sĩ nào đó.

Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?

ChatGPT hỗ trợ làm phim

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 5.

ChatGPT có thể can thiệp đến mức độ nào trong quá trình viết kịch bản của các nhà làm phim?

ANTONIO SORTINO

Với cơ cấu hoạt động dựa trên các yêu cầu bằng văn bản, đưa kết quả bằng văn bản, ChatGPT có thể giúp ích khá nhiều trong công tác biên kịch. Ứng dụng chatbot này có thể hỗ trợ viết tóm tắt kịch bản, kiến tạo nhân vật, xây dựng tình huống, lựa chọn bối cảnh… Tờ The Hollywood Reporter thậm chí còn thử yêu cầu ChatGPT thiết lập thử một sêri phim với mỗi tập là sự kết hợp của những bộ phim "hot", bom tấn kinh điển được công chúng yêu thích. Ví dụ: "Hãy cho tôi một câu logline (tóm gọn ý bộ phim) tập phim kết hợp giữa Die hardYou've got mail".

Kết quả mà ChatGPT cho ra như sau: "Khi một nhóm khủng bố tấn công cửa hàng bách hóa cao cấp ở Manhattan vào đêm Giáng sinh, một chủ doanh nghiệp nhỏ lém lỉnh phải hợp tác với một cảnh sát cứng rắn để hạ gục chúng và cứu vãn tình thế, tất cả diễn ra trong khi họ trao đổi những lời bông đùa và tán tỉnh qua email".

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 6.

Một đoạn kịch bản do ChatGPT viết theo yêu cầu người dùng

Reddit

Ngay sau khi ChatGPT ra đời, cũng có không ít các biên kịch đã thử mua gói VIP ứng dụng này để thử độ thông minh của nó trong việc viết kịch bản. Sau nhiều thao tác thử nghiệm, số đông các biên kịch khẳng định họ không cảm thấy lo lắng về việc một ngày nào đó, họ sẽ bị thay thế bởi các ứng dụng AI giống như ChatGPT.

"Tôi có thấy ChatGPT trong tương lai gần sẽ thay thế công việc mà chúng tôi đang làm trong phòng biên kịch hàng ngày không? Không. Nhưng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã ở đó. Chúng ta không cần phải lo sợ nhưng cũng phải tìm cách để mà ứng dụng nó cho hợp lý. Hãy sử dụng chúng để nâng tầm nghệ thuật nhưng đồng thời không để cho bản thân ta bị giới hạn" - John August, biên kịch của Big fishAladdin khẳng định trên podcast Scriptnotes.

Một nguồn tin ẩn danh khác của The Hollywood Reporter cho biết ChatGPT thường chỉ có thể đưa ra những ý tưởng ngô nghê, đôi khi dư thừa. Các chi tiết đẩy cảm xúc hay tạo ra sự hài hước, sự thấu cảm, đó là những thứ chúng không làm được. Franklin Leonard, người sáng lập và giám đốc điều hành của nền tảng viết kịch bản The Black List cho biết ông không lo lắng về việc ChatGPT sẽ thay thế các biên kịch. Tuy nhiên, ông tin rằng nó có tiềm năng thúc đẩy thị trường lao động và khiến cho các biên kịch phải có nhận thức tự nâng cấp họ mỗi ngày.

Thực tế, trí tuệ nhân tạo đã phát triển đến những mức độ cao cấp và tinh vi hơn hẳn ChatGPT trong lĩnh vực làm phim. Gần đây, nhà làm phim người Canada Johnny Darrell đã thử tạo ra loạt hình ảnh được gọi là "Jodorowsky's Tron" bằng phần mềm AI tên là Midjourney để hình dung nếu bộ phim Tron được thực hiện dưới tầm nhìn và phong cách nghệ thuật của đạo diễn lừng danh của dòng phim "avant - garde" (phim thể nghiệm) Alejandro Jodorowsky sẽ như thế nào. Tron cũng là một tượng đài của dòng phim khoa học viễn tưởng, bản phim đầu tiên được Disney cho ra mắt vào năm 1982.

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 7.

Hình ảnh do phần mềm AI Midjourney tạo ra khi được yêu cầu cho kết quả hình ảnh bộ phim Tron theo phong cách Jodorowsky

The New York Times

ChatGPT có thể tham gia làm phim, sáng tác nhạc?  - Ảnh 8.

Thật khó tin những hình ảnh này được "sản xuất" chỉ bởi một phần mềm AI

The New York Times

Những hình ảnh của "Jodorowsky's Tron" ra đời khiến cho nhà báo Frank Pavich của The New York Times phải kinh ngạc bởi độ sắc nét, tinh vi và có hệ thống của nó. Phương thức vận hành của Midjourney cũng đơn giản như ChatGPT. Chỉ cần bạn để vào các từ khoá như "Tron" hay "Jodorowsky", phần mềm này đã cho ra đời kết quả dưới dạng thức hình ảnh ấn tượng đến ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ đang phát triển nhanh chóng, các hãng phim hiện cũng chưa dám liều lĩnh trong việc khai thác các tác phẩm - kịch bản nghệ thuật do AI tạo ra. Bởi không có bảo vệ bản quyền cho những tác phẩm như vậy. Luật sở hữu trí tuệ ở Mỹ hiện không công nhận quyền sở hữu của những chủ thể sáng tạo không phải con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.