ChatGPT: Người thầy, trợ lý, người bạn
Khi con gái lớp 9 vốn ngại học toán hỏi đùa với tôi rằng 'ChatGPT là giúp mình Giải Phương Trình (viết tắt là GPT) hả ba' thì tôi không khỏi bật cười và trả lời ChatGPT còn làm nhiều hơn thế nữa.
Với khả năng tìm kiếm cực nhanh trên internet và khả năng xâu chuỗi thông tin một cách logic thì trải nghiệm ChatGPT đưa ra câu trả lời gần như tức thì (bằng tiếng Anh) thật đáng kinh ngạc. Thú vị hơn, nếu bạn lặp lại câu hỏi thì câu trả lời mỗi lần chỉ giữ những ý chính, còn các chi tiết là khác nhau.
Nếu tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thì bạn cũng có thể học qua cách viết văn đa dạng của nó. Nó hiểu được ngữ cảnh đối thoại, đưa ra những nguồn trích dẫn cho những câu trả lời về học thuật, mặc dù hiện tại thì chưa cụ thể được như một bài báo khoa học. Nó cũng ghi nhớ nội dung đã đối thoại để bạn sau này có thể quay lại tiếp tục chủ đề đó. Với kho lưu trữ đa dạng khổng lồ nên ChatGPT sẽ rất hữu ích cho chúng ta trong việc học hỏi những vấn đề mới.
Nếu như ChatGPT giúp bạn trong những lĩnh vực bạn không phải là chuyên gia thì nó cũng là một trợ lý lợi hại trong việc thu thập, tổng hợp dùm bạn trong lĩnh vực chuyên môn của bạn. Một trợ lý cần mẫn, kiên nhẫn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Xem ChatGPT như người bạn, chúng ta có thể hỏi bất kỳ chuyện gì, bất kể thời gian nào. Nó thành thực khi không biết và khéo léo chỉ bạn chỗ có thể tìm câu trả lời. Do dữ liệu bằng tiếng Việt còn hạn chế trên internet và chưa được huấn luyện nhiều nên nhiều câu trả lời của nó cũng rất ngây ngô, hài hước. Chẳng hạn hỏi "Cầu vồng có 7 màu, vậy 3 cầu vồng có mấy màu?", ChatGPT trả lời: "3 cầu vồng có 21 màu". Bạn có thể yêu cầu nó làm thơ bằng tiếng Việt về một chủ đề nào đó và chắc chắn kết quả là rất vui.
NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ KẺ CẠNH TRANH
Do ChatGPT vẫn trong giai đoạn học tập nên bạn có thể cung cấp những thông tin chính xác, những câu trả lời đúng để nó tích lũy kinh nghiệm, từ đó sẽ giúp cho những người đi sau. Thông tin đúng, minh bạch sẽ là sức mạnh của một xã hội văn minh.
Rõ ràng với những lợi thế như vậy, ChatGPT là nỗi lo âu cho nhiều ngành nghề. Riêng đối với giáo dục, người thầy sẽ gặp thách thức lớn. Người thầy phải có khả năng đánh giá những câu trả lời của nó trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Hình thức dạy, học và đánh giá kết quả học tập cần thiết kế lại cho phù hợp.
Gian lận trong học tập (sinh viên viết bài luận), nghiên cứu (viết bài báo), bằng cấp của việc đào tạo online, các công việc bị thay thế, sự phụ thuộc quá mức vào trí tuệ nhân tạo ChatGPT… và nhiều hệ quả khác chắc cần thêm thời gian để chúng ta suy ngẫm.
Xu thế phát triển là vậy rồi, tôi chọn hướng phải thích ứng với điều này, bằng cách cập nhật kiến thức, kỹ năng. Học từ nó, chơi với nó, chỉ dẫn nó, nhận sự giúp đỡ từ nó: đó chẳng phải là người bạn tinh thần sao? Nếu tương lai gắn liền với sự có mặt của ChatGPT hay hậu duệ của nó thì việc cung cấp, sàng lọc thông tin đúng đắn cho nó cùng với khả năng tư duy của con người sẽ thúc đẩy sự học tập và hiểu biết của chúng ta lên một bậc cao mới.
ChatGPT tạo ra “bước thay đổi lớn” trong việc dạy và học, buộc các nhà giáo dục ở nhiều quốc gia phải phản ứng, theo tờ The New York Times.
Chẳng hạn, các trường trung học và ĐH ở Mỹ, Úc tái thiết kế chương trình, cách đánh giá, thi cử. Tại một số ĐH, giảng viên đang loại bỏ dần bài tập về nhà, kỳ thi đề mở, thay vào đó là tăng cường giao bài tập viết tay (làm trên lớp), bài thi trên giấy, thuyết trình và vấn đáp.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều học khu như ở bang Seattle và New York (Mỹ) cấm học sinh dùng ChatGPT tại trường trung học công lập.
Tuy nhiên, cũng có những ĐH như ĐH Washington (Mỹ) không cấm ChatGPT và hồi tháng 1 đã công bố bảng hướng dẫn chi tiết cho các khoa về việc ứng dụng công cụ AI trong dạy học. Nhà trường cũng đưa ra quy định cụ thể về việc dùng công nghệ AI trong các khóa học, nhấn mạnh đánh giá quá trình học tập hơn là điểm thi cuối kỳ, đồng thời hướng sử dụng công cụ AI phù hợp.
Các nhà xuất bản và tạp chí lớn như Science, Springer-Nature đã cập nhật quy định người viết không được dùng ChatGPT như là đồng tác giả trong các bài báo khoa học.
Trước mối lo ngại học sinh, sinh viên lạm dụng công cụ AI để gian lận, OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT - ngày 31.1 ra mắt công cụ AI Text Classifier có chức năng phát hiện đạo văn cùng văn bản do ChatGPT tự động viết.
Phúc Duy
Bình luận (0)