Nikkei dẫn báo cáo từ một cuộc khảo sát hằng năm được thực hiện bởi công ty nhân sự Korn Ferry cho biết, mức tăng lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát ở châu Á sẽ tăng 2,8% trong năm nay, cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trung bình 1,5% của thế giới. Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự trì trệ về tiền lương trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Song, theo các chuyên gia, người lao động ở châu Á nói chung không nên ăn mừng sớm vì tăng trưởng kinh tế trong khu vực được dự đoán sẽ giảm tốc so với năm ngoái, giữa kỳ vọng lãi suất cao hơn và tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn. Lạm phát có thể cũng sẽ quay trở lại như một sức kéo tiềm ẩn đối với sức mua của người tiêu dùng. Trong số các nước châu Á, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá sẽ có mức tăng trưởng tiền lương hàng đầu, trong khi đó tốc độ tăng lương của Nhật Bản lại khá ì ạch.
tin liên quan
Các nước châu Á ngày càng không thoải mái với cơn sốt bitcoinTại Trung Quốc, mức lương thực tế dự kiến sẽ tăng từ 4% lên 4,2%. Các nhà kinh tế tại Moody’s Economy dự đoán rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ duy trì chính sách tài chính chủ động trong năm nay, giải quyết tình trạng dư thừa trong các doanh nghiệp và mở ra sự cạnh tranh lớn hơn. Còn tại Nhật Bản, mức tăng lương thực tế dự kiến sẽ giảm từ 2,1% xuống 1,6%.
Cũng theo báo cáo của Korn Ferry, mức tăng lương của các nền kinh tế tiên tiến không đủ lớn để bù đắp cho tình trạng lạm phát đang nảy nở. Cụ thể, mức lương ở Úc có thể chỉ tăng 0,4%, con số này ở Đức là 0,8% và ở Anh là 0,5%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sức mạnh thương lượng của người lao động giảm và sự kỳ vọng của các nhà quản lý đối với tăng trưởng kinh tế khá thấp là một trong những lý do khiến việc tăng lương ở các nước phương Tây bị đình trệ.
Bình luận (0)