Nhật Bản vào đầu tuần quyết định xúc tiến kế hoạch phát triển các dòng tên lửa đất đối hạm với tầm bắn 300 km nhằm bảo vệ các nhóm đảo xa, bao gồm nhóm đảo đang tranh chấp với Trung Quốc là Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo dự định sẽ triển khai tên lửa mới vào tháng 3.2024, và đây là một trong những động thái cho thấy châu Á đang rơi vào cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hàn, Nhật ưu tiên tầm ngắn
Một trong những nguy cơ sát sườn khác buộc Nhật Bản phải tìm cách trang bị thêm vũ khí là vì CHDCND Triều Tiên hiện sở hữu tên lửa đủ sức đặt xứ sở mặt trời mọc vào tầm ngắm. Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng bắn tên lửa Rodong tầm bắn khoảng 1.300 km, nhưng chỉ bay được cỡ 1.000 km trước khi đâm xuống vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Đó cũng là lý do Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch của nước láng giềng Hàn Quốc nhằm triển khai hệ thống phòng không hiện đại THAAD để đối phó các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tiếp từ miền Bắc.
|
Hàn - Nhật - Mỹ hiện có một thỏa thuận phối hợp đối phó với CHDCND Triều Tiên. Dựa trên thỏa thuận này, vào ngày 15.8, Washington thông qua hợp đồng 490 triệu USD nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis cho các chiến hạm của đồng minh. Tokyo cũng di chuyển khẩu đội Patriot PAC-3 trên bộ đến Hàn Quốc vào tháng 6 năm nay, đồng thời nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot để chuẩn bị cho kỳ Olympic vào năm 2020.
Mới đây, nhà thầu Lockheed Martin cho biết Aegis sẽ được trang bị cho 3 tàu khu trục lớp KDX-III của Hàn Quốc. Đây là lớp tàu đa nhiệm với năng lực phòng không và chống ngầm. Cụ thể, nhóm tàu này sẽ được lắp hệ thống Aegis Baseline 9, bao gồm mạng radar đa chức năng SPY-1 của nhà cung cấp Mỹ, dùng để kết hợp với hệ thống phóng thẳng đứng MK 41 để phóng nhiều loại tên lửa phục vụ cho các sứ mệnh khác nhau.
Hàn Quốc cũng đang tìm cách tăng số lượng tên lửa tầm ngắn Hyunmoo 2A và tên lửa đạn đạo 2B cho các lực lượng vũ trang nước này. Tên lửa 2A có tầm bắn tối đa 300 km, còn 2B dừng ở mức 500 km, dù Seoul cũng sở hữu tên lửa hành trình Hyunmoo 3 tầm bắn 1.000 km. Cách đây vài ngày, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một số nguồn tin nhận định rằng các tên lửa Hàn Quốc thường có tầm bao phủ ngắn hơn nhưng chính xác hơn hẳn so với tên lửa của miền Bắc.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình Taurus không đối đất chống nhiễu, được lắp cho các chiến đấu cơ F-15K. Tên lửa Taurus dài 5,1 m, nặng 1,4 tấn, tầm bắn hơn 500 km. Loại vũ khí lợi hại này mang theo đầu đạn 480 kg, và có thể lướt ở độ cao chỉ 40 m với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh, cho phép nó thoát khỏi tầm quan sát của radar địch.
|
Trung, Triều vươn tới tầm xa
Ở phía bên kia biên giới liên Triều, CHDCND Triều Tiên có thể sở hữu từ 30 đến 50 tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan và 30 bệ phóng di động (TEL). Các báo cáo mới cũng cho thấy Bình Nhưỡng có vẻ như đang triển khai tên lửa tầm xa KN-08. Còn các tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này có thể vươn đến các căn cứ Mỹ tại Thái Bình Dương, như Guam. Tuy nhiên, năng lực thực sự của các tên lửa tầm trung vẫn đang trong vòng nghi vấn, vì trong thời gian qua CHDCND Triều Tiên đã phóng tổng cộng 6 tên lửa loại này nhưng chỉ có 1 quả được xem là thành công một phần. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng phóng 2 tên lửa tầm ngắn Scud và 1 tên lửa tầm trung Rodong để phản đối quyết định của Seoul - Washington triển khai THAAD đến bán đảo Triều Tiên hồi tháng trước.
Về phần mình, bất chấp những lời trấn an từ Washington, Bắc Kinh vẫn tỏ ra dè chừng trước mối đe dọa đến từ THAAD, cho rằng hệ thống phòng không này bao gồm các radar có tầm bao phủ vượt xa phạm vi bán đảo Triều Tiên. Hiện Trung Quốc bắt tay với Nga chế tạo một hệ thống tương tự như Aegis của Mỹ. Hồi tháng 4, Moscow đã lần đầu tiên phóng thành công tàu lượn siêu thanh Yu-71 với sự hỗ trợ của tên lửa đạn đạo chiến lược RS-18A tại vùng Orenburg thuộc rặng Ural. Trong một bản tin vào ngày 16.8, Hãng Sputnik News tiết lộ tên lửa trên dần tăng tốc đến ngưỡng 11.265 km/giờ. Sau đó 3 ngày, Trung Quốc triển khai cuộc thử nghiệm tương tự, phóng tàu lượn siêu thanh DF-ZF trên tên lửa có tốc độ lên đến 12.347 km/giờ.
|
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chế tạo các loại tên lửa có chức năng tương đồng với Mỹ, bao gồm HQ-9B, HQ-19 (tương tự THAAD), HQ-26 (như Standard Missile-3) và HQ-29 (giống PAC-3). Tất cả đều được xây dựng theo hướng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Vào tháng 3, Bắc Kinh cũng đã ứng trước khoản chi phí để sắm từ 4 đến 6 khẩu đội tên lửa đối không tầm xa S-400 từ Nga. Mỗi đơn vị S-400 bao gồm 8 bệ phóng tên lửa đất đối không, với mỗi bệ phóng được trang bị 32 tên lửa. Dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ được giao vào quý đầu năm sau.
Bình luận (0)