Châu Á - Thái Bình Dương muốn 'cứu' TPP

16/03/2017 15:21 GMT+7

Bộ trưởng các nước châu Á - Thái Bình Dương vừa cho biết họ sẽ tìm cách tiến đến thỏa thuận tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Mỹ.

Theo Reuters, quyết định của các nước châu Á - Thái Bình Dương được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm khó thỏa thuận bằng cách rút Mỹ ra khỏi TPP. Sau hai ngày họp cấp cao tại Chile, quan chức từ 11 nước tham gia TPP cùng Hàn Quốc, Trung Quốc chưa lên kế hoạch rõ ràng về một hiệp định mới thay thế TPP, song có thể hiện quyết tâm lớn để không phí hoài nhiều năm đàm phán khó khăn.
“Chúng tôi quyết định cùng nhau tiến lên phía trước, đặc biệt với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Việc một thành viên rất quan trọng của TPP rút lui mở ra nhiều cơ hội mới”, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray Caso cho biết trong buổi họp báo.
Được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người muốn đối mặt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, TPP là hiệp định nhằm cắt giảm thuế quan, thắt chặt quan hệ thương mại giữa các nước chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Dù vậy, quyết định rút khỏi là cú sốc lớn nhất cho những thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là nguyên nhân khiến công ăn việc làm của người Mỹ mất đi.
Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz, người tổ chức cuộc họp tại thị trấn nghỉ mát Vina del Mar, cho biết ý tưởng trên “tạo ra thêm sự chắc chắn” ở thời điểm “xu hướng bảo hộ đang dâng cao ở một số nơi trên thế giới”. Đại diện Trung Quốc đến cuộc họp là đại diện đặc biệt về các vấn đề Mỹ La tinh Yin Hengmin. Đại sứ Mỹ ở Chile, bà Carol Perez, cũng tham dự dù bà không được mời tham gia cuộc họp phụ của 11 nước tham gia TPP.
Ông Videgaray cho biết bất cứ hiệp định thương mại tương lai nào cũng phải đáp ứng hai tiêu chí. Thứ nhất là có cùng “chất lượng cao” như TPP hoặc quy định kỹ hơn về lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ và những vấn đề khác. Thứ nhì là thỏa thuận mới phải được đưa ra trong ngắn hạn. Các quan chức không loại trừ khả năng về một thỏa thuận “TPP phiên bản 2.0” với Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.