Châu Á trước mối lo tấn công mạng

Khánh An
Khánh An
25/08/2018 07:33 GMT+7

Nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa trang bị đầy đủ năng lực đối phó trước làn sóng tấn công mạng ngày càng tinh vi.

Với công nghệ tiên tiến và dự án xây dựng “quốc gia thông minh”, Singapore luôn đầu tư mạnh vào lĩnh vực an ninh mạng và được Liên minh Viễn thông quốc tế xếp hạng là nước có hệ thống an ninh mạng tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, vụ đánh cắp dữ liệu của hơn 1,5 triệu bệnh nhân mới đây tại Singapore cho thấy thủ đoạn của tin tặc ngày càng tinh vi.
Trong vụ tấn công, tin tặc đã truy cập thông tin đơn thuốc của khoảng 160.000 bệnh nhân, trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long. Chính phủ Singapore cho rằng vụ tấn công là cố ý và do “các nhân tố tầm cỡ quốc gia” thực hiện, trong khi nhiều chuyên gia chỉ thẳng Trung Quốc đứng sau vụ việc. Theo Nikkei Asian Review, không chỉ Singapore mà các nước châu Á khác ngày càng nhận thức rõ về nguy cơ tin tặc tấn công đang gia tăng và gây thiệt hại lớn. Với trường hợp Singapore, dữ liệu y tế có thể dùng để thao túng chính khách hoặc doanh nhân tầm cỡ nếu có thông tin về việc họ bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.
Chuyên gia Matt Palmer tại Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Willis Towers Watson cảnh báo một nước xem trọng an ninh mạng như Singapore vẫn bị tấn công cho thấy các nước khác ở châu Á là mục tiêu dễ dàng của tin tặc do chưa có nhiều sự chuẩn bị để ứng phó. Singapore phát hiện vụ việc chỉ 1 tuần sau khi dữ liệu bị truy cập trái phép và tiến hành điều tra. Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty an ninh mạng FireEye (Mỹ), các nước châu Á - Thái Bình Dương phải mất trung bình 498 ngày để phát hiện lỗ hổng an ninh. Nghiên cứu của Microsoft và Frost & Sullivan cũng chỉ ra rằng các vụ tấn công mạng tại châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái gây thiệt hại lên đến 1.740 tỉ USD, tương đương 7% tổng GDP của khu vực.
Một số chuyên gia cho rằng tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ là mối lo trong thời gian tới đối với các nước châu Á vì Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng ngày càng nhanh. Công ty FireEye nhận định sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tạo “động lực” khiến các mối đe dọa trên mạng ngày càng lớn từ nhiều bên, trong đó có các nhóm tin tặc muốn thu thập thông tin bí mật về các dự án và thỏa thuận đầu tư. Giới chuyên gia khuyến cáo các nước phải tăng cường phòng chống gián điệp trên mạng, nhất là khi lợi ích kinh tế, chính trị có xu hướng gắn liền với Trung Quốc và quan hệ làm ăn với Bắc Kinh ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nước cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về an ninh mạng. Hiện ASEAN đang tăng cường hợp tác với Úc, và Trung tâm huấn luyện an ninh mạng Nhật - ASEAN vừa được mở tại Thái Lan.
Mỹ thử nghiệm phần mềm chống tin tặc
Theo Fox News, không quân Mỹ đang phối hợp với Công ty Merlin Cryption phát triển công nghệ an ninh mạng mới có thể vô hiệu hóa mọi nỗ lực tấn công của tin tặc. Giám đốc điều hành Brandon Brown của Merlin Cryption cho biết công ty không tiết lộ nhiều thông tin vì lý do nhạy cảm. Tuy nhiên, bà nói rằng điện toán lượng tử và trí thông minh nhân tạo có thể phá vỡ những mã phức tạp bằng cách nhận diện và phân tích các dãy phần tử. Phần mềm mới sẽ không có kẽ hở và luôn ngăn được tất cả cách tấn công trong quá trình thử nghiệm. Hiện phần mềm đang được thử nghiệm tại Trung tâm sáng tạo mạng ở Louisiana và Đại học Louisiana trước khi được quân đội Mỹ chính thức sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.