Châu Á trước viễn cảnh 'bão nhiệt'

14/08/2018 08:00 GMT+7

Châu Á đang oằn mình trước thời tiết nóng kỷ lục khiến nhiều người thiệt mạng và có thể đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Trong thời điểm nhiều nơi trên thế giới hứng chịu thời tiết nóng bất thường trong vài tháng qua, giới khoa học cảnh báo về những đợt nóng khủng khiếp, được gọi là “bão nhiệt”, sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên. Tờ South China Morning Post dẫn nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính vào năm 2030, tình trạng chết vì nắng nóng ở những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng 1.488 trường hợp so với mức trung bình hiện nay. Đối với phần còn lại của khu vực, con số này là 21.000 ca. Trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ ngoài trời tiếp tục gia tăng và có thể gây ra khoảng 250.000 cái chết mỗi năm trong giai đoạn 2030 - 2060 do sốc nhiệt, bệnh nhiệt đới, suy dinh dưỡng và tiêu chảy.
Theo chuyên san PLOS Medicine, trung bình số người thiệt mạng do bão nhiệt tại Nhật Bản, hiện hơn 2.000 người/năm, có thể tăng 170% trong giai đoạn 2030 - 2080. Tại Philippines có thể tăng tới 1.300% so với 322 ca tử vong mỗi năm như hiện nay. Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) dự đoán tình trạng ấm lên toàn cầu có thể biến khu vực đồng bằng phía bắc Trung Quốc, nơi 400 triệu người đang sinh sống, thành vùng đất chết. Tính đến cuối thế kỷ 21, khu vực này sẽ đối mặt với những cơn bão nhiệt có thể khiến người khỏe mạnh tử vong trong vòng vài giờ hoạt động ngoài trời.
[VIDEO] Biển đổi khí hậu phức tạp hơn vì 'hiệu ứng domino', nhiệt độ có thể tăng vượt kiểm soát
Trong 15 ngày bão nhiệt ập xuống Hồng Kông hồi tháng 5, nhiệt độ trong các căn hộ chật chội và tù túng được ghi nhận cao hơn từ 1 – 5 độ C so với ngoài trời. Thậm chí một căn ở quận Nguyên Lãng “tấc đất tấc vàng” nóng đến 42 độ C, theo Tổ chức Cộng đồng vì xã hội Hồng Kông. Bán đảo Triều Tiên trải qua đợt nóng khủng khiếp kể từ giữa tháng 7, đẩy nhiệt độ lên mức kỷ lục 40,7 độ C tại TP.Hongcheon (Hàn Quốc) và tính đến cuối tuần qua, đã có ít nhất 42 người thiệt mạng tại nước này. Nhà chức trách CHDCND Triều Tiên không công bố thương vong cụ thể nhưng cho biết miền Bắc đang trải qua “đợt thiên tai chưa từng có” khi nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C, theo tờ Rodong Sinmun. Ở Nhật Bản, trận bão nhiệt kéo dài từ đầu tháng 7 đến nay đã khiến ít nhất 116 người chết và gần 60.000 người nhập viện hoặc phải trải qua chăm sóc y tế. Theo Kyodo News, Cơ quan Khí tượng Nhật phải tuyên bố tình trạng thảm họa sau khi nhiệt độ kỷ lục 41,1 độ C được ghi nhận tại TP.Kumagaya ngày 23.7.
“Những đợt nóng nghiêm trọng sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Friederike Otto của Đại học Oxford (Anh) cảnh báo. Ngoài thời tiết, tình trạng nhiệt độ bề mặt nước biển tăng sẽ khiến các cơn bão nhiệt đới với cường độ như bão Haiyan (Hải Yến), từng khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013, sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và mạnh hơn. Vì thế, các nhà nghiên cứu hy vọng những sự kiện thời tiết cực đoan thời gian qua có thể gióng lên hồi chuông báo động buộc các nước phải hành động để thực thi cam kết khống chế nhiệt độ trái đất gia tăng dưới 2 độ C, theo tinh thần của Hiệp định Paris 2015.
Nhiều nước có thể không còn người ở vì nóng
Đài NBC ngày 13.8 dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ ngày càng tăng tới mức nhiều nước Bắc Phi và vùng Vịnh không còn thích hợp cho con người trong tương lai. Tại thủ đô Cairo của Ai Cập, nhiệt độ trong vài tuần qua luôn ở mức trên 35oC và có thể đạt 38 độ C trong vài ngày tới. Nhiệt độ trung bình trong 3 năm qua ở Ai Cập đã ở mức cao nhất từ khi có ghi nhận. Algeria cũng chứng kiến nhiệt độ lên đến 51,3 độ C hồi tháng trước, trong khi nhiệt độ ở Iraq hồi năm 2016 đạt đỉnh điểm 54 độ C.
Tại châu Âu, nhiều nước cũng vừa trải qua đợt nóng khủng khiếp với nhiệt độ ở Bồ Đào Nha có lúc lên đến 44 độ C vào đầu tháng 8. Ngoài ra, thời tiết nóng cũng góp phần khiến đợt cháy rừng lớn nhất lịch sử bang California, Mỹ thêm trầm trọng và chưa thể khống chế sau nhiều tuần, theo tờ The Guardian. Minh Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.